Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất

Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ việc chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể đến huy động các nguồn vốn ngân sách, vốn lồng ghép, vốn huy động trong dân nên đã đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất ảnh 1Năm 2023, sản lượng lúa ở Sóc Trăng trên 2 triệu tấn (tăng 1,46%), trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 93%. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Năm 2023, toàn tỉnh có 70 xã được công nhận nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết), trong đó có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Ngã Năm, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu). Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới 2023 đối với 2 huyện là Châu Thành và Cù Lao Dung; dự kiến trong quý I năm 2024 sẽ có kết quả thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn và nâng tổng số toàn tỉnh lên 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất ảnh 2Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Thị xã Ngã Năm là một trong hai đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng từ năm 2020. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Trần Văn Liêm cho biết: Năm 2023, thị xã đã tăng cường chỉ đạo lực lượng đoàn viên, hội viên phát huy vai trò gương mẫu trong thực hiện và tuyên truyền vận động người dân đăng ký thực hiện tiêu chí “Hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới và tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”. Kết quả có 8.451/10.199 hộ đăng ký thực hiện 12 tiêu chí hộ gia đình văn hóa, đạt 82,9%. Chính quyền đã vận động các hộ gia đình tham gia phát quang, giải phóng mặt bằng trên các tuyến kênh nội đồng dài 5.700m; chỉ đạo thực hiện tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu với 34/34 ấp đăng ký tham gia, theo đó mỗi xã lựa chọn hai tuyến để xây dựng làm tuyến đường điểm với tổng chiều dài 11.700m; thực hiện 185 lượt ra quân phát quang, ươm cây kiểng (trên 60.000 cây bông trang, hoa kiểng), sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng trên địa bàn các ấp với hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, đảng viên tham gia.

Từ nguồn vốn Chương trình, Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu, với tổng kinh phí 351.243 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 96% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 83% đường ngõ, xóm sạch; 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa và thể thao cấp huyện, xã được quan tâm đầu tư. Đến nay, 80/80 xã nông thôn tại Sóc Trăng có nhà văn hóa, trong đó có 3 xã có trung tâm văn hóa - thể thao, 41 thư viện xã nông thôn mới, 575/582 ấp có nhà văn hóa. Sóc Trăng hiện đã hoàn chỉnh thủ tục triển khai Dự án Chương trình phát triển y tế cơ sở vùng khó khăn với quy mô xây mới 28 trạm y tế và nâng cấp, sửa chữa 18 trạm y tế (dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2024). Hiện 80/80 xã có trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 6/10 trung tâm y tế cấp huyện đạt chuẩn quốc gia.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất ảnh 3Cây cầu mới được xây dựng ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh Tuấn Phi-TTXVN

Ông Phạm Thành Nhanh, cư dân ấp Trung Nhất, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết, ấp có tới 97% dân số là đồng bào Khmer, người dân ở đây rất tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là tham gia đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, đường sáng xanh, sạch đẹp, tham gia phát quang đường nông thôn, trồng cây xanh, hoa kiểng dọc các tuyến đường… Nhờ vậy, ấp Trung Nhất có những tuyến đường kiểu mẫu đẹp nhất xã, nhất huyện và giải nhì hội thi tuyến đường nông thôn cấp tỉnh. Cùng với phong trào xóa đói giảm nghèo, sửa sang đường sá, nhà cửa, cảnh quan môi trường, Trung Nhất đang dần trở thành miền quê đáng sống...

Đánh giá của Ban Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho thấy: Trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Sóc Trăng là trên 8.300 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương đầu tư gần 285 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 255,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình trên 3.700 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 3.175 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp, vốn huy động trong cộng đồng gần 1.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với sự đoàn kết, trách nhiệm, tập trung của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành tỉnh, chung tay đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay, Sóc Trăng có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 87,5% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh đề ra. Tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn hằng năm tăng, đến cuối năm 2023 đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% năm, trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất ảnh 4Tuyến đường giao thông nông thôn kiểu mẫu ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, để Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tỉnh đề ra kế hoạch đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng xóm ấp…

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm