Phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

Tọa đàm tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Tọa đàm tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Ngày 30/11, tại tỉnh Sóc Trăng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay”.

Phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Đây là hội thảo cấp Bộ do Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, có sự tham gia của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số trường Đại học, Học viện, Trường Chính trị các tỉnh trong khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng: Hội thảo tập trung vào các lĩnh vực: thực hiện chính sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những mô hình tiêu biểu, phát triển giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, khoa học và công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự, phát triển nguồn nhân lực, chính sách truyền thông và các dịch vụ khác nhằm bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Thông qua hội thảo, những đề xuất, kiến nghị, giải pháp của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý góp phần hỗ trợ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững tại địa phương trong tình hình mới.

Phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng ảnh 2Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe ông Võ Hoàng Thơ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng trình bày tham luận về đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng hiện nay, thực trạng, vấn đề và giải pháp; Thạc sỹ Phạm Vân Anh, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng trình bày tham luận về một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng...

Trong phiên thảo luận bàn tròn, đại diện các nhà quản lý, khoa học chia sẻ những nội dung: Thành tựu và bài học kinh nghiệm; những bất cập và nguyên nhân trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh trong thời gian tới. Các đại biểu thống nhất các vấn đề cốt lõi trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là: nâng cao nhận thức người dân, đào tạo nhân lực, nguồn lao động có tay nghề; có cơ chế chính sách hợp lý, sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, tạo đột phá, quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới có thể tăng tốc phát triển…

Phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng ảnh 3Tọa đàm tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4,5%/năm; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng ảnh 4Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định, trên cơ sở các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, trao đổi, đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Nam Bộ cũng như tỉnh Sóc Trăng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách dân tộc trong bối cảnh mới như nâng cao hiệu quả thực thi chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng…

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm