Đổi thay phum sóc đồng bào Khmer

Tuyến lộ đal Salaten đi kênh 5 Dân, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Tuyến lộ đal Salaten đi kênh 5 Dân, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Huyện Châu Thành giống như “cửa ngõ’ của tỉnh Sóc Trăng, với vị trí quan trọng nằm trên trục lộ Quốc lộ 1A hướng từ Cần Thơ vào thành phố Sóc Trăng. Châu Thành có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khmer. Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, quan tâm phát triển nông thôn, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế… đời sống của người dân Châu Thành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã nhanh chóng khởi sắc.

Đổi thay phum sóc đồng bào Khmer ảnh 1Tuyến lộ đal Salaten đi kênh 5 Dân, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Quan tâm, hỗ trợ sinh kế

Chị Lý Thị Thanh Xuân là một trong những thành viên của tổ hợp tác ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã gắn bó với mô hình nhân giống cây Hồng nhung được hơn 5 năm nay. Chị Xuân cho biết, ban đầu, khi được địa phương tạo điều kiện tiếp cận vay vốn để sản xuất kinh doanh, biết loại cây này đang được thị trường ưa chuộng để làm cây trồng vừa dùng lấy trái (quả) vừa lấy bóng mát, cũng có thể làm cây cảnh có giá trị, chị đã đi mua trái Hồng nhung để ươm giống. Sau thời gian sản xuất, chị Xuân từng bước phát triển, mở rộng quy mô, hiện nay đã có trên 20.000 cây giống.

Theo chị Xuân, cây Hồng nhung là loại cây được nhiều người ưa chuộng, dễ ươm, tỷ lệ sống cao, cho thu nhập tương đối khá. Hiện nay, gia đình chị kinh doanh bán sỉ và lẻ, cả cây giống và bán trái cho khách hàng, chủ yếu đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh… Cây giống bán được nhất là vào mùa mưa. Ước tính trung bình mỗi năm, chị thu về khoảng 70 triệu đồng tiền lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh giống cây này.

Ngoài cây giống, Cơ sở ương giống cây của chị Xuân còn bán hạt giống, bán cây lớn nhỏ tùy theo nhu cầu của khách, kể cả những cây lớn đang cho trái. Cây lớn được bán theo vành (tán rộng), theo nhu cầu, trung bình từ 30.000 đến 100.000 đồng/cây. Từ hiệu quả của mô hình cây giống, dưới sự hỗ trợ của địa phương, chị Xuân thành lập Tổ hợp tác Ươm giống cây Hồng Nhung xã Phú Tân, thu hút 10 hộ tổ viên tham gia, tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con lúc nhàn rỗi. Đến nay, hầu hết đời sống của các tổ viên đều ổn định.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn huyện Châu Thành đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer như: hỗ trợ xây nhà ở, giúp vốn làm ăn, chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất…

Anh Danh Giang, ấp Phú Ninh, xã An Ninh là một trong những nông dân Khmer sản xuất giỏi nhiều năm liền của địa phương. Từ hộ nghèo, anh cùng vợ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo với mô hình đa canh cây màu, kết hợp với chăn nuôi bò trên gần 1 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước khi làm mô hình, anh Giang được ngành Nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, ngoài ra được hỗ trợ chi phí làm nhà lưới và hệ thống tưới tiêu tự động. Hiện, anh dành gần 2.000 m2 đất để xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn, gồm các rau ăn lá ngắn ngày. Bên cạnh đó, anh còn có khoảng 4.000 m2 đất trồng rau, cây ăn quả, lấy củ với thời gian sinh trưởng dài và thu hoạch lâu hơn. Diện tích còn lại, anh trồng cỏ và xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt.

Anh Danh Giang cho biết, áp dụng mô hình trồng cây ăn quả, rau, củ trong nhà lưới đang cho lợi nhuận hơn, mô hình này không tốn công phải tưới nước, do có hệ thống tưới tiêu tự động. Anh rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bởi rau trong nhà lưới được bảo vệ tốt hơn.

Bên cạnh các mô hình được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập có hiệu quả với các hộ dân, huyện Châu Thành quan tâm hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn như hộ ông Liên Phol (ở xã Phú Tân), được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ông Phol cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, các con ông phải rời quê đi làm ăn xa. Với ngôi nhà mới vừa được địa phương xét hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia, ông rất phấn khởi. Theo ông Liên Phol xúc động nói: "Nhà nước giúp đỡ xây cho căn nhà, tôi mừng lắm, không còn lo mưa dột, gió sập nhà nữa. Các con khi về quê có chỗ ở yên tâm hơn".

Đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer

Không chỉ quan tâm sinh kế cho người dân, xác định tầm quan trọng của giao thông, hạ tầng cơ sở ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, huyện Châu Thành đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, thay cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Về Châu Thành bây giờ, đường sá đã khang trang hơn nhiều. Những con đường lầy lội vùng sâu trước đây giờ đã được thay bằng đường bê tông, trải nhựa, nối liền giữa các ấp, xã, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa.

Ông Lâm Hiệp (xã Phú Tân) rất vui khi tuyến đường huyện vừa mới xây dựng hoàn thành, được trải nhựa thông thoáng. Ông chia sẻ: "Người dân ở đây rất vui mừng, kể cả người dân ở các địa phương khác đi qua con đường này hoặc người dân, công nhân đi làm việc tại khu công nghiệp gần đây cũng rất thuận tiện. Có con đường mới, đi lại thuận tiện, tai nạn giao thông đã giảm. Hai bên đường có sông, có ruộng, tới vụ thu hoạch lúa, người dân vận chuyển thuận tiện, cảnh quan thay đổi rõ rệt, nhà mới mọc lên nhiều hơn…".

Châu Thành là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Những chương trình này đã giúp cho phum sóc đồng bào Khmer nơi đây không ngừng thay da đổi thịt.

Phấn khởi với những thành tựu đạt được, ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Huyện xác định, việc thực hiện các chính sách để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Địa phương đã tập trung triển khai nhiều dự án, tiểu dự án, nhanh chóng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sớm có điều kiện phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về đất ở, nhà ở...

Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân đối với các dự án này đạt 100% kế hoạch vốn được giao, giúp tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giảm mạnh. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 này, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm xuống chỉ còn dưới 4%. Hiện, toàn huyện đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Từ những quyết tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, nỗ lực của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách đối với dân tộc đã và đang mở ra cuộc sống no ấm, đủ đầy, nâng cao mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Châu Thành nói riêng.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm