Tỉnh Sóc Trăng có chiều dài bờ biển hơn 72km, nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông và tiếp giáp Biển Đông. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng nguồn tài nguyên biển phong phú, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển...
Với hơn 72km bờ biển, có các cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, Sóc Trăng có vị trí địa kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Theo quy hoạch được phê duyệt, vùng kinh tế - xã hội ven biển của tỉnh Sóc Trăng gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề, sẽ được tập trung phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp và dịch vụ gắn kinh tế biển; tài nguyên khoáng sản biển.
Việc phát triển kinh tế của vùng bảo đảm nguyên tắc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và triển khai tốt các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Mới đây, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông tin, tỉnh tập trung thực hiện các phương án phát triển, gắn với 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác như: năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số... Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng như: hạ tầng giao thông cảng biển, các khu - cụm công nghiệp, các hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, du lịch…
Theo đó, Sóc Trăng sẽ ưu tiên hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý như: xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.
Sóc Trăng chuyển đổi các mô hình nuôi thủy sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiện quả thấp sang nuôi thủy sản công nghiệp có quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu - cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển thông qua các tuyến du lịch Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo.
Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.
An Hiếu