Truy xuất nguồn gốc, sản xuất sản phẩm hữu cơ đã trở thành yếu tố cơ bản đối với xuất khẩu và tiêu thụ nông sản; trong đó, có sản phẩm của hợp tác xã. Tuy nhiên, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, tài chính hạn chế, công nghệ và hạ tầng số chưa ứng dụng rộng rãi… vẫn là khó khăn thường trực khiến các hợp tác xã luôn bị bó hẹp trong tiếp cận thị trường. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây cần một hành trình với sự góp sức của cả hệ thống nhằm tạo hệ sinh thái đủ lớn hỗ trợ hợp tác xã phát triển.
Những bước đi đột phá
Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ BB, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã xác định mục tiêu theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là nền tảng để hợp tác xã nhanh chóng bắt nhịp xu thế thị trường, mang lại lợi nhuận cao cho thành viên.
Chọn sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, Hợp tác xã BB đã tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả sạch, chất lượng cao và “gõ cửa” thành công các nhà hàng, siêu thị cũng như thị trường xuất khẩu.
Ông Phạm Thọ Trường- Giám đốc Hợp tác xã BB chia sẻ: Hiện tại, hợp tác xã có 3 nhà kính trồng rau củ quả trên diện tích 3.000 m2, gồm 2 nhà kính trồng dâu tây, 1 nhà kính trồng rau thủy canh. Ngoài ra, hợp tác xã còn trồng chanh dây và ươm các giống hoa nhiệt đới. Đặc biệt, tất cả đều được vận hành theo hướng chuyên nghiệp và khoa học.
Chính vì vậy, nông sản của hợp tác xã đã có nhãn hiệu độc quyền với tên gọi “BB Farm”, có mặt tại 2 siêu thị lớn ở tỉnh Bình Định, 1 siêu thị ở Phú Yên và đang làm hợp đồng cung cấp cho siêu thị Co.opMart Tuy Hòa.
Theo ông Phạm Thọ Trường, hợp tác xã đang có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 5 ha bằng công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói rau quả tự động và nhà trưng bày sản phẩm để hướng tới nông nghiệp sinh thái.
Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên nhận định: Mặc dù là hợp tác xã thành lập sau so với hơn 80 hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh nhưng lại hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết của hợp tác xã kiểu mới với công nghệ hiện đại, cây trồng phù hợp, cách điều hành năng động, linh hoạt.
Đặc biệt, mô hình của hợp tác xã đã trở thành điển hình của tỉnh và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống thành viên và người lao động, đang từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hợp tác xã Rau củ quả sạch Gia Cát cũng là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm tạo ra những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Rau của quả sạch Gia Cát cho biết: Với mô hình trồng rau quả công nghệ cao trong nhà màng cộng thêm các máng trồng cây và thiết bị cảm biến điều khiển tự động nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo các thông số kỹ thuật đã giúp cây phát triển thuận lợi và cho ra những sản phẩm hữu cơ an toàn.
Hơn nữa, các sản phẩm của hợp tác xã thay vì vận chuyển tới các chợ đầu mối như trước kia thì nay lượng khách tự tìm đến đặt hàng ngày càng đông bởi truy suất nguồn gốc về chất lượng được đảm bảo, không tồn tại hàm lượng kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm và đạt độ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trợ lực để phát triển
Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam - VCED (Canada) đã hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất thanh long, bưởi da xanh, nho… có cơ hội tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu, nâng cao năng lực quản trị và thương mại cho các hợp tác xã.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre cho hay: Với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng từ dự án, hợp tác xã đã khánh thành khu phức hợp đa chức năng hoàn thiện chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, thu mua, kho trữ hàng hóa đến chế biến sản phẩm.
Cùng với đó, dự án VCED đã giúp hợp tác xã xây dựng trang website riêng để tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp. Đặc biệt, hợp tác xã đã xuất khẩu thành công trái bưởi tươi sang thị trường Canada và hiện đang đàm phán với một số đối tác để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Australia.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thực tế hiện nay các sản phẩm của hợp tác xã đang phải cạnh tranh gay gắt, nhất là về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chí an toàn, hữu cơ.
Mặc dù nhiều hợp tác xã sản xuất hữu cơ không hề thua kém các doanh nghiệp, tập đoàn lớn bởi sản phẩm trải qua các bước kiểm tra đều đáp ứng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công vẫn còn đa số hợp tác xã gặp khó khăn trong nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Mặt khác, chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ là rất cao, có thể khoảng từ 4.000-5.000 USD/lần cấp, vượt quá khả năng của nhiều hợp tác xã và sẽ đội chi phí lên rất cao, sản phẩm kém cạnh tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã hỗ trợ các hợp tác xã chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa và lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực cũng như cùng địa phương hỗ trợ hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần lồng ghép các nguồn lực của cả Trung ương và địa phương, tạo thuận lợi cho hợp tác xã vay vốn để giải quyết khó khăn và đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nhằm hướng đến mục tiêu năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngoài đáp ứng nhu cầu vốn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ lựa chọn một số hợp tác xã có tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ tạo đà cho các hợp tác xã phát triển mạnh, bền vững.
Uyên Hương