Xác nhận nguồn gốc cây đào, mai nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức phòng trào “Tết trồng cây” và tăng cường bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, ngày 6/1/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 50/BNN-TCLN hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nhận được Văn bản số 72/UBND-KT ngày 8/1/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác và xác nhận cây đào trồng.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo và các giải pháp tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 50/BNN-TCLN ngày 6/1/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/1/2021.

Việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Bích Hồng

Tin liên quan

Mai, đào cùng khoe sắc trong nắng xuân phương Nam

Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, không khí xuân đã tràn ngập khắp mọi miền đất nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong những hội hoa xuân cũng như các chợ, điểm bán hoa, cây cảnh trên hè phố, bên cạnh màu vàng rực rỡ, nổi bật của những bông hoa mai còn có cả màu hồng ấm áp, nồng nàn của những bông đào phai, đào bích được đưa vào từ các tỉnh, thành phía Bắc. 


Rực rỡ sắc đào rừng ở vùng cao Mù Cang Chải

Đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải dài cao vút đến lưng trời. Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, vẻ đẹp thuần khiết của một loài hoa rừng mang tên Tớ Dày hay còn gọi là “hoa đào rừng” báo hiệu mùa Xuân sớm ở nơi rẻo cao Tây Bắc.


Cây đào nâng cao đời sống người dân Yên Bái

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng đào ở Yên Bái đang tất bật chăm sóc chuẩn bị nguồn hàng để đưa ra thị trường nhằm phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo các hộ dân trồng đào, năm nay thời tiết thuận lợi nên đào sinh trưởng phát triển tốt, ra nụ đều hơn năm trước và nở vào đúng dịp Tết, hứa hẹn sẽ cho mùa đào bội thu.


Hoa đào bung sắc trên Tây Nguyên

Thời điểm này, nông dân nhiều vùng trồng hoa ở Tây Nguyên đang tất bật cho cây vào chậu để chăm sóc, chuẩn bị đưa thành phẩm ra thị trường phục vụ người chơi hoa Tết. Tây Nguyên thiên về văn hóa miền Trung, miền Nam nên thường trưng mai, cúc vào độ Xuân sang. Tuy nhiên, ở đây cũng có những người con xa xứ nhớ quê, họ trồng hàng trăm gốc đào để phục vụ người chơi hoa, góp phần mang không khí rộn ràng của Tết miền Bắc đến với mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.



Đề xuất