Quảng Trị trồng mới trên 7.200 ha rừng tập trung

Quảng Trị trồng mới trên 7.200 ha rừng tập trung
Quảng Trị trồng rừng ngập mặn ở vùng cửa sông. Ảnh :Nguyễn Văn Lý
Quảng Trị trồng rừng ngập mặn ở vùng cửa sông. Ảnh :Nguyễn Văn Lý
Bên cạnh đó, tỉnh còn khoanh nuôi tái sinh được 1.600 ha và giao khoán bảo vệ trên 93.000 ha rừng; qua đó góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%. Vĩnh Linh là một trong những huyện trồng được nhiều rừng nhất tỉnh Quảng Trị. Năm 2018, huyện này trồng khoảng 1.500 ha rừng tập trung và trên 800.000 cây phân tán với các cây chủ lực là keo và tràm; qua đó nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên 52 %. Để thực hiện tốt việc trồng rừng, ngay từ đầu năm 2018, địa phương đã chú trọng quy hoạch vùng trồng rừng, làm đất, chuẩn bị cây giống… để trồng rừng. Trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã và đang từng bước thay đổi biện pháp thâm canh rừng, từ trồng rừng cung cấp nguyên liệu dăm gỗ, sang trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững (FSC); đồng thời hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, để phục ngành công nghiệp chế biễn gỗ. Theo đó, tỉnh có trên 111.000 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai và tràm. Qua đó, giúp tỉnh hình thành được vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, bình quân mỗi năm có khoảng 6.000 ha rừng cho khai thác với trên 850.000 m3 gỗ. Đối với trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững, tỉnh có trên 22.000 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng gỗ lớn của cả nước. Đại diện  Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, trồng rừng FSC cho thu nhập bình quân 150 – 200 triệu đồng/ha chu kỳ khai thác 10 năm, cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng rừng gỗ thông thường. Bên cạnh đó, rừng gỗ lớn còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào từ rừng trồng đã giúp ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Quảng Trị, trở thành ngành chủ lực và đứng thứ hai của cả nước. Hiện nay, tỉnh có 2 nhà máy gỗ MDF, 27 nhà máy chế biến ván ghép thanh và gỗ dăm. Quảng Trị có các sản phẩm chủ lực từ gỗ như: gỗ ghép thanh, viên nén năng lượng... có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đã xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm