Kiên Giang ngăn chặn bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa Hè Thu

Kiên Giang ngăn chặn bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa Hè Thu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đã xuất hiện gây hại một số trà lúa trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 120 ha.
Nông dân xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chăm sóc lúa Hè Thu sớm. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Nông dân xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chăm sóc lúa Hè Thu sớm. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Hiện tại, diện tích nhiễm bệnh vàng lùn trên lúa Hè Thu sớm hơn 45 ha, tỷ lệ 70% trở lên, xuất hiện ở huyện Hòn Đất. Đây là nguy cơ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá sẽ bùng phát gây hại sản xuất vụ Hè Thu 2018 nếu không có biện pháp ngăn chặn, phòng trị kịp thời.
 
Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Nguyệt, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, cho biết rầy nâu dự báo sẽ là đối tượng phát sinh với diễn biến phức tạp, có thể gây hại trên nhiều trà lúa vụ Hè Thu 2018. 

Do đó, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có khả năng sẽ tái phát gây hại lúa trong thời gian tới, cần cảnh giác phát hiện kịp thời để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan trên diện rộng. Bệnh thể hiện rõ nhất trên các giống nhiễm rầy như: IR50404, Đài thơm 8, BTE1, DS1, nếp,…

Bên cạnh đó, thường xuất hiện cùng với bệnh vàng lùn là bệnh lùn xoắn lá. Cây lúa tuổi càng nhỏ dễ bị nhiễm bệnh và thiệt hại càng lớn, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Có trường hợp trên một bụi lúa đồng thời xuất hiện cả hai triệu chứng bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và gây thiệt hại năng suất rất lớn.
 
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ những đợt rầy nâu di trú trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 để có biện pháp ngăn ngừa, phòng trừ thích hợp.

Khuyến cáo nông dân theo dõi diễn biến thời tiết, dịch bệnh để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh gây hại cho lúa; tăng cường thăm đồng, quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ để hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra, chú ý các biện pháp quản lý tổng hợp (IPM).
 
Cùng với đó, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân gieo sạ tập trung, đồng loạt “né rầy” trên cùng cánh đồng, từng vùng và tiểu vùng sản xuất theo lịch thời vụ của cơ quan chuyên ngành; hạn chế sử dụng những giống lúa nhiễm rầy.

Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đến nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ phòng ngừa côn trùng môi giới truyền bệnh là rầy nâu nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh.
 
Đối với những trà lúa bị nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân trục bỏ, cày vùi để tránh lây lan, đồng thời phun thuốc trừ rầy nhằm tránh rầy nâu chích hút, phát tán mầm bệnh sang những cây lúa khỏe. Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ như “3 giảm - 3 tăng” để tạo cây lúa khỏe, gia tăng sức đề kháng.

Theo dõi sự xuất hiện và phát triển mật số của rầy, phun thuốc trừ rầy khi rầy cám nở rộ theo nguyên tắc 4 đúng. Không sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật nhằm duy trì nguồn thiên địch của rầy nâu, tuyệt đối không sử dụng thuốc tác động rộng sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái và tái phát rầy vào cuối vụ.
 
Hiện nay, diện tích nhiễm rầy nâu trên lúa Đông Xuân 2017 - 2018 và Hè Thu sớm khoảng 3.000 ha, mật độ 750 - 3.000 con/m², tuổi rầy 1 - 3, xuất hiện chủ yếu ở 2 huyện Hòn Đất và Giang Thành./.
  Lê Huy Hải
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm