Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững ở Lai Châu

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững ở Lai Châu
Bản Nậm Cầy có lợi thế về phát triển nghề nuôi cá nước ngọt của xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Bản có khoảng 9 hécta mặt nước nuôi thả cá, nhưng hầu hết ao cá của người dân ở Nậm Cầy đều được đào thủ công, manh mún. Trước đây, do người dân không nắm được kỹ thuật nuôi, không có sự đầu tư bài bản nên hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Năm 2015, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nậm Nhùn phối hợp với một số đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt cho trên 30 học viên là người dân bản Nậm Cầy. Tham dự lớp học, các học viên được tiếp cận với cách chọn con giống, xử lý ao trước khi thả cá giống, cách thả ghép nhiều loại cá trên cùng một diện tích ao, kỹ thuật chăm sóc phòng ngừa bệnh dịch cho đàn cá... 
 
Cán bộ Phòng Lao động huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên truyền kiến thức trồng trọt cho người dân vùng cao.Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Cán bộ Phòng Lao động huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên truyền kiến thức trồng trọt cho người dân vùng cao.Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Ông Cà Văn Chinh, người dân bản Nậm Cầy cho biết, nhà ông có 2 ao thả cá với tổng diện tích gần 500 m2. Trước đây do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên cá nuôi trong ao của gia đình ông chậm lớn. Hiện nay, sau khi được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi từ lớp đào tạo nghề, việc chăn nuôi của gia đình ông đã đạt hiệu quả cao hơn. 

Cũng như bản Nậm Cầy, bản Táng Ngá thuộc xã nghèo Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn). Trước đây, do chưa có kỹ thuật sản xuất phù hợp nên đời sống của đồng bào dân tộc Cống ở bản gặp nhiều khó khăn. Đầu tháng 9/2015, lớp dạy nghề nuôi gà thương phẩm đã được mở tại bản, với 30 học viên. Tại lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc gà trong từng giai đoạn sinh trưởng, thực hành qua mô hình chăn nuôi gà Tam Hoàng. 

Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 2 năm 2014- 2015, huyện Nậm Nhùn đã phối hợp tổ chức được 24 lớp dạy nghề ngắn hạn cho trên 770 lao động nông thôn tại địa bàn. Học viên được học các nghề như: Trồng cây công nghiệp, cây lương thực; chăn nuôi gia súc, gia cầm; điện dân dụng; nuôi trồng thủy sản nước ngọt… Các ngành nghề đào tạo được địa phương xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế gắn với định hướng phát triển kinh tế của từng vùng; hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động. 
 
Nông dân huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) kiểm tra và chăm sóc cá nuôi, sau khi được học các kiến thức của lớp đào tạo nghề. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Nông dân huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) kiểm tra và chăm sóc cá nuôi, sau khi được học các kiến thức của lớp đào tạo nghề. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Ông Cao Duy Đan – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nậm Nhùn cho biết: Qua các lớp học nghề, người dân đã dần thay đổi phương thức sản xuất cũ, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng tích cực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay của huyện lên 34,4%. Giai đoạn 2016 – 2020 huyện Nậm Nhùn phấn đấu mỗi năm sẽ đào tạo, dạy nghề cho 400 lao động nông thôn; trong đó huyện chú trọng nhu cầu học nghề của người lao động, giải quyết việc làm cho các học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cũng theo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2011 - 2015, Trung tâm đã tổ chức gần 130 lớp dạy nghề cho gần 4.000 nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong năm 2015, Trung tâm đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho trên 800 lao động nông thôn; ký kết với các đơn vị mở 27 lớp dạy nghề trên địa bàn 6 huyện cho lao động nông thôn và người nghèo trong tỉnh. 

Bà Phạm Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lai Châu cho biết: Nhiều học viên sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi; đầu tư và áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất để tạo thu nhập ổn định hơn. Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cùng với việc sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư đào tạo... sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương là một trong những bước đi quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở Lai Châu./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm