Nhân Ngày nước Thế giới 22/3:

Cần đổi mới toàn diện chính sách về quản lý nước

Cần đổi mới toàn diện chính sách về quản lý nước
Nhiều năm nay, người dân một số xã trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) mòn mỏi vì chờ đợi có nước sạch để sử dụng. Ảnh: Nguyễn Nam Thái - TTXVN
Nhiều năm nay, người dân một số xã trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) mòn mỏi vì chờ đợi có nước sạch để sử dụng. Ảnh: Nguyễn Nam Thái - TTXVN
Hướng tới sử dụng nước thông minh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đặt ra năm 1992 thì mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 đã chỉ ra rất rõ: tất cả mọi người đều được sử dụng nước vào năm 2030, điều này đồng nghĩa là không có ai không được sử dụng nước. Nhưng thực tế hiện nay, khoảng 1,9 tỷ người đang phải sống trong các khu vực khan hiếm nước, khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang có hơn 663 triệu người trên toàn cầu phải xếp hàng hàng giờ, đi bộ cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt, đấy là chưa kể số người chịu ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Dự báo, để đáp ứng các mục tiêu phát triển, đến năm 2050 có khoảng hơn 1,7 tỷ người đang sống trên các lưu vực sông có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do hậu quả của việc khai thác quá mức và nếu hiện trạng này vẫn tiếp diễn thì dự đoán đến năm 2025 sẽ có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Những cảnh báo này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động tới toàn nhân loại về nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong tương lai không xa nếu như chúng ta không chung tay cùng nhau hành động, nỗ lực để giải quyết ngay từ bây giờ. Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo các Nghị định của Chính phủ số 54/NĐ-CP năm 2015 và số 82/NĐ-CP năm 2017 đã được ban hành. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, theo Liên hợp quốc, được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh là quyền của con người và là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Mặc dù có tiến bộ đáng kể trong 15 năm qua song mục tiêu này vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều bộ phận dân số thế giới. Tiếp cận với nước là quyền mang tính sống còn của mỗi con người. Tuy nhiên, hàng tỷ người vẫn bị tước đoạt quyền đó. Trong năm 2015, 3 trong số 10 người (2,1 tỷ người) không được tiếp cận với các dịch vụ nước an toàn và 4,5 tỷ người, hoặc 6 trong số 10 người, đã bị tước quyền quản lý vệ sinh một cách an toàn. Chúng ta đang ở xa mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra là bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người và bảo đảm quản lý bền vững tài nguyên nước. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng phân tích nguyên nhân của thực trạng này và đưa ra các cách thức để giảm thiểu bất bình đẳng, đồng thời nêu rõ có thể bảo đảm quyền nước sạch và vệ sinh trở thành hiện thực "Với điều kiện có ý chí tập thể để tiến về phía trước và nỗ lực để tập hợp những người "bị bỏ lại phía sau" trong quá trình ra quyết định", ông Michael Croft cho biết thêm.Giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn tài nguyên nước Theo Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy, thời gian qua, tại Việt Nam công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan cùng các địa phương tập trung điều tra, đánh giá, tìm kiếm nguồn nước phục vụ chống hạn cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm việc điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh các nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện. Ngành tài nguyên nước Việt Nam cũng tích cực triển khai các biện pháp, hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước; cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và giảm thiểu việc giải phóng, xả thải các hóa chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước; giảm tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng đáng kể việc tái chế và tái sử dụng nước an toàn; bảo đảm việc khai thác nước không vượt qua ngưỡng giới hạn khai thác đối với sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước. Nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực tài nguyên nước đến từ các quốc gia cũng cho rằng, cần đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết tài nguyên nước bởi hệ thống hỗ trợ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn "manh mún, nhỏ lẻ". Theo đó, nên thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới; thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước bao gồm núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ. Ngoài ra, gắn kết các đối tác của các bên liên quan cùng nhau xây dựng bộ công cụ để quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm để đảm bảo mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt tại các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh bao gồm: thu gom nước, khử muối, hiệu quả nước, xử lý nước thải, tái chế và công nghệ tái sử dụng nước.
Diệu Thúy

Có thể bạn quan tâm