Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh

Đây là chủ đề tọa đàm do UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) tổ chức sáng 29/3. Tọa đàm sự tham gia của các chuyên gia, đại diện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, các cá nhân, tổ chức.

vna_potal__quang_binh_xa_hoi_hoa_nguon_luc_phuc_hoi_rung_dau_nguon_song_gianh_7296358.jpg
Từ năm 2021 đến nay VARS đã phối hợp với các địa phương trồng 650.000 cây giống bản địa từ nguồn vốn xã hội hóa 17 tỷ đồng. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Quảng Bình là điểm khởi đầu của Chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2024. Sau 3 năm, từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè (Tuyên Hóa, Quảng Bình) năm 2021, Chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 21 xã ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La, hỗ trợ mô hình cho gần 350 chủ rừng, che phủ gần 500 ha rừng, tương đương với 650.000 cây giống bản địa như: Lim, dổi, vàng tim, de, lát, xoan. Đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam đã huy động được hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ người trồng rừng bản địa.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, Tuyên Hóa là huyện miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94.266 ha, chiếm 83,5% tổng diện tích; độ che phủ rừng trên 77,2%. Từ năm 2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa triển khai Chương trình trồng phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh, đến nay đã trồng được 233,59 ha rừng bằng các loại giống cây lâm nghiệp bản địa. Tọa đàm là dịp để lãnh đạo huyện chia sẻ, lắng nghe kinh nghiệm của các đơn vị và đại diện chủ rừng từ nhiều địa phương.

vna_potal_bao_ve_rung_xa_hoi_hoa_nguon_luc_phuc_hoi_rung_dau_nguon_song_gianh_quang_binh_7296360.jpg
Các đại biểu tham quan mô hình trồng rừng tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tiến sỹ Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam cho biết, mô hình trồng và phục hồi rừng của Công ty được xây dựng dựa trên nền tảng vận dụng tri thức bản địa, đặt người dân ở vị trí trung tâm; đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, các đối tác chuyên môn, kỹ thuật và những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm. Năm 2024, năm thứ 4 của Chương trình “Góp một cây để có rừng”, Công ty đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 ha diện tích rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị. Chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Không chỉ dừng lại ở hoạt động trồng rừng, Công ty tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững, kêu gọi sự chung tay từ cả cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Triệu Văn Lực cho biết, trên cả nước, diện tích rừng được bảo vệ hằng năm là hơn 11,5 triệu ha. Những năm gần đây, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/năm) đã góp phần quan trọng bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là những vùng phòng hộ, đầu nguồn của những con sông lớn, trong đó có sông Gianh (Quảng Bình).

vna_potal_xa_hoi_hoa_nguon_luc_phuc_hoi_rung_dau_nguon_song_gianh_quang_binh_7296353.jpg
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Theo ông Triệu Văn Lực, sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn huy động thực hiện là 9.449 tỷ đồng; trong đó có 4.111 tỷ đồng từ vốn vốn xã hội hóa. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần phát huy và nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức trong công tác trồng và bảo vệ rừng, áp dụng khoa học công nghệ để bảo vệ, phát triển rừng, cần tăng cường huy động vốn ngân sách địa phương, vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia theo cơ chế đối tác công tư (PPP).

Trước đó, ngày 28/3, các đại biểu đã tham quan các mô hình trồng rừng từ cây bản địa trên địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm