Quảng Bình đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng

Ngày 22/3, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, theo Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố, Quảng Bình tiếp tục đứng thứ 2 toàn quốc về độ che phủ rừng với trên 68%...

vna_potal_khu_du_tru_thien_nhien_dong_chau-khe_nuoc_trong_7129113.jpg
Khu dự trữ Thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giáp với khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn thấy tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt - Lào. Nơi đây có đa dạng sinh học rất cao, chứa đựng nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần phải bảo tồn, được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá là một trong 200 trung tâm có đa dạng sinh học cao toàn cầu. Trong ảnh: Cầu Khỉ nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, tỉnh có tổng diện tích rừng là 591.368 ha. Trong đó, rừng tự nhiên có 469.961 ha, rừng trồng có 121.407 ha... Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, Quảng Bình luôn tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng. Cùng với việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, tỉnh không ngừng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, qua đó góp phần phát triển kinh tế rừng bền vững. Các giống cây bản địa có giá trị cáo như lim, dổi, sưa... được chính quyền địa phương, các tổ chức ưu tiên hỗ trợ để người dân dễ dàng tiếp cận và có cơ hội trồng thành các tán rừng lớn...

Trung bình mỗi năm, tỉnh thực hiện kế hoạch trồng mới hơn 9.000 ha rừng tập trung cùng hàng triệu cây phân tán, nhằm tiếp tục giữ vững, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn.

vna_potal_quang_binh_dam_me_phuc_hoi_nhung_canh_rung_cay_ban_dia_quy_hiem_6648365.jpg
Cánh rừng đã được trồng gỗ quý hiếm của ông Nguyễn Đức Sự ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh giá trị kinh tế bền vững từ rừng sản xuất, năm 2023, Quảng Bình được chi trả 82,4 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng nên càng giúp cho người dân trên địa bàn thêm phấn khởi, hăng say trong công tác bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Với độ che phủ rừng đạt cao, trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh dự kiến sẽ được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng hàng triệu tấn carbon rừng.

Mạnh Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm