Tuyên Quang nâng độ che phủ rừng đạt trên 65%

Tuyên Quang nâng độ che phủ rừng đạt trên 65%

Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu trồng mới 9.700 ha rừng sản xuất, nâng độ che phủ rừng đạt trên 65%. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang dự kiến khai thác 10.000 ha rừng trồng, với tổng sản lượng đạt hơn 1,1 triệu m3 gỗ, qua đó, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tuyên Quang nâng độ che phủ rừng đạt trên 65% ảnh 1Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang chuẩn bị cấy giống để trồng rừng mùa vụ mới. Ảnh: Quang Đán-TTXVN

Để đảm bảo việc trồng rừng đạt được đúng kế hoạch và hiệu quả, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các địa phương, các lâm trường, các trung tâm sản xuất giống chủ động gieo ươm 30 triệu cây giống để cung cấp cho các hộ dân. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân, năm 2023, tiếp tục hỗ trợ người dân hơn 2.700 ha giống cây lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất; trong đó, gần 2.100 ha keo lai mô, còn lại là giống cây bản địa như: trám, dổi ăn hạt, sấu….

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Qua đó, xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, hiện tỉnh Tuyên Quang đang tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành nông lâm nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia thị trường cung ứng tín chỉ các-bon rừng nhằm tăng thêm nguồn thu, nâng cao giá trị kinh tế từ đóng góp của hệ sinh thái rừng, nâng cao hơn nữa đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng, để người làm nghề rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Tỉnh Tuyên Quang có gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp (chiếm 70% diện tích tự nhiên). Đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.

Điển hình như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm), nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bộ giấy huyện Na Hang 7.500 tấn sản phẩm/năm... Các nhà máy này đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm, duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha...

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm