Chiều 4/11, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình 38-CTr/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, qua 5 năm thực hiện chương trình, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Tỉnh đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả cho dịch vụ môi trường rừng. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã tham gia trồng được hơn 24.000 ha rừng sản xuất.
Tỉnh Gia Lai có diện tích lớn thứ 2 cả nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chiếm gần 50% dân số, trình độ dân trí còn khá thấp, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng thường xuyên tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và những tác hại do mất rừng đến cộng đồng dân cư, trường học bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, trong 5 năm (2017-2021), tỉnh Gia Lai đã có gần 1.200 công đoàn cơ sở tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đảm nhận trồng gần 7.500 ha rừng, hơn 1.200 ha cây phân tán, gần 80.000 cây xanh các loại...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng mục tiêu của tỉnh là phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế cho người dân sống gần rừng bằng nhiều giải pháp. Để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, các ngành liên quan cần quan tâm đến công tác biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt và xem xét xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với tổ chức cá nhân thực hiện không tốt.
Báo cáo tại Hội nghị, ngành Lâm nghiệp tỉnh Gia Lai cũng nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn còn phổ biến, nhiều diện tích rừng bị xâm hại, suy giảm nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 – 2021, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 3.000 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ và một số lâm sản khác.
Chương trình 38-CTr/TU của Tỉnh ủy Gia Lai quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Những quy định cụ thể này đã có tác động lớn trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị; từ đó, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Cũng trong giai đoạn 2017-2021, tỉnh Gia Lai đã xử lý kỷ luật 20 người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; kỷ luật 183 công chức, viên chức để xảy ra phá rừng.
Để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các xã vùng sâu, vùng biên giới và giáp ranh, tỉnh đã tổ chức ký kết, thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng với các tỉnh giáp ranh (Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum). Đồng thời, Gia Lai chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực; thông tin, liên lạc, phối hợp, kiểm tra, truy quét, xử lý được duy trì, góp phần hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh. Từ năm 2017 đến năm 2020, tỉnh thực hiện việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư theo dự án KfW10 với tổng diện tích rừng tự nhiên được giao là hơn 8.000 ha/hơn 3.100 hộ tham gia.
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên có nội dung về giữ, bảo tồn và phát triển rừng. Gia Lai xem đây là nội dung quan trọng cần thực hiện. Với những khó khăn hiện có của đội ngũ làm công tác bảo vệ rừng như lương, chế độ đãi ngộ quá thấp, áp lực giữ rừng quá lớn, lâm tặc manh động, mỗi cán bộ giao diện tích quản lý rừng quá lớn..., Gia Lai mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí để hoàn thiện và phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030”, sớm ban hành chính sách đặc thù bảo vệ, khôi phục rừng Tây Nguyên. Tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương có những chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù ngành cho lực lượng bảo vệ rừng để tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng này trong điều kiện hiện nay.
Hiện tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 46%. Ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng độ che phủ rừng đạt 47,75%, và đến năm 2030 đạt trên 50%. Hàng năm tỉnh Gia Lai trồng mới 8.000 ha rừng và phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Hồng Điệp