Lồng bè nuôi nhiều loại cá đặc sản phục vụ khách du lịch tham quan ở xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Xã Tiên Hải gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 đảo chìm, tổng diện tích tự nhiên hơn 283 ha, cách thị xã Hà Tiên khoảng 20 km và đảo Phú Quốc 40 km. Đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi cá lồng bè trên biển là tiềm năng, lợi thế được xã này tập trung đầu phát triển mạnh, nhằm cải thiện, nâng lên đời sống nhân dân. Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết, những năm gần đây, nghề khai thác đánh bắt hải sản trên ngư trường kém hiệu quả nên nhiều ngư dân Tiên Hải chuyển sang nuôi cá lồng bè. Khởi sắc nhất là năm 2017, nuôi cá lồng bè trên biển được mùa, được giá, ngư dân rất phấn khởi. Xã vận động, hỗ trợ bà con tiếp tục đầu tư đóng mới bè nuôi để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản này, vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống trên vùng biển đảo.
Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Xã Tiên Hải hiện có khoảng 100 hộ dân nuôi hơn 170 lồng bè, chủ yếu là cá bóng mú, cá bớp, cá chim và cá chẽm… Năm 2017, sản lượng đạt hơn 400 tấn mang lại nguồn thu nhập cho người nuôi cá hàng chục tỷ đồng. Đây là năm ngư dân Tiên Hải nuôi cá trúng mùa nhất từ trước đến nay nhờ điều kiện thời tiết, môi trường tự nhiên khá thuận lợi cùng với áp dụng kỹ thuật mới kết hợp kinh nghiệp nuôi truyền thống, cá ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, phát triển tốt. Ngư dân Hồng Xuân Thân, ấp Hòn Tre lớn, xã Tiên Hải phấn khởi cho biết, năm 2017 cá bán được giá hơn mấy năm trước, đầu ra thuận lợi. Có hơn 20 lồng bè gồm cá mú và cá bớp, tính bình quân cứ 100 con cá sau khi trừ chi phí, thu lãi 20 triệu đồng trở lên.
Khách du lịch thăm quan nơi nuôi cá lồng bè ở xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi ra bè nuôi cá của ông Thân ở ấp Hòn Tre lớn, xã đảo Tiên Hải đúng vào lúc một số đoàn khách du lịch cũng đến đây thăm quan, trải nghiệm nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Đàn cá nuôi hàng nghìn con cá bớp, cá mú sắp thu hoạch đang có giá khá cao, với cá bớp từ 110.000 - 120.000 đồng/kg và cá mú từ 400.000 - 500.000 đồng/kg tùy kích cỡ, trọng lượng cá. Khách du lịch thích thú khi tận mắt nhìn những đàn cá bơi lượn dưới làn nước trong xanh rất đẹp mắt và càng thú vị hơn khi tự tay mình cho cá ăn. Ông Thân cho biết thêm, từ khi chuyển sang nuôi cá lồng bè, đời sống nhân dân trên xã đảo này giảm bớt khó khăn, có điều kiện vươn lên làm giàu và thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến thăm quan. Ngư dân Hồng Xuân Thân phấn khởi nói: “Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết những hộ nuôi cá lồng bè ở quần đảo Hải Tặc này trong mấy năm qua đời sống cải thiện hơn trước, thu nhập khấm khá. Du khách đến tham quan, du lịch, tìm hiểu nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương ngày một đông vui, góp phần cho bà con làm dịch vụ du lịch cộng đồng có thêm nguồn thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình.”
Hàng trăm lồng bè nuôi cá trên biển ở xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Nuôi cá lồng bè trên biển tại xã đảo Tiên Hải đang được quy hoạch để phát triển ổn định, bền vững theo hướng hiện đại, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức sản xuất theo quy hoạch, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường tự nhiên của biển, không bị ô nhiễm, vừa dễ dàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Xã xây dựng các mô hình nuôi cá thương phẩm ứng dụng công nghệ nuôi mới hiện đại, phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng nuôi, nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải còn nhiều những khó khăn, bất cập cần đầu tư căn cơ để phát triển an toàn, bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, là lồng bè nuôi cá kết cấu thô sơ, chủ yếu bằng cây gỗ, khả năng chịu sóng gió kém; con giống chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, cơ sở cung ứng giống chưa đảm bảo chất lượng, tỉ lệ hao hụt cao. Thức ăn cho cá là cá tạp nên không chủ động, khó bảo quản, dễ gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tập trung; dịch bệnh xảy ra với tần suất ngày càng cao. Các hộ nuôi cá chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ và theo chuỗi sản xuất, chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất.
Nuôi cá lồng bè ở xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Năm 2018, xã Tiên Hải tiếp tục vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư nuôi cá, phấn đấu phát triển đạt hơn 200 lồng bè nuôi, sản lượng từ 500 tấn cá trở lên. Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải nhấn mạnh, để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển an toàn, hiệu quả và bền vững, xã Tiên Hải cùng với ngành chức năng huyện, tỉnh quy hoạch, thực hiện giao, cho thuê mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá. Quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh kịp thời tại vùng nuôi. Sắp xếp, tổ chức theo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu cá nuôi lồng bè Tiên Hải. Tập trung việc đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật tiến bộ cho người nuôi cá, giúp ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả kinh tế cao.
Lê Huy Hải