WHO cảnh báo hệ lụy nguy hiểm do sử dụng kháng sinh sai mục đích

WHO cảnh báo hệ lụy nguy hiểm do sử dụng kháng sinh sai mục đích
Trong báo cáo công bố ngày 12/11, cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết đã thu thập và đối chiếu số liệu năm 2015 về việc sử dụng kháng sinh tại 65 quốc gia và khu vực trên thế giới. Báo cáo phát hiện sự khác biệt lớn trong liều dùng kháng sinh giữa các nước và khu vực, từ mức thấp khoảng 4 liều xác định trong ngày (DDD)/1.000 người/ngày tại Burundi đến mức hơn 64 DDD tại Mông Cổ.

Báo cáo của WHO còn cho thấy sự khác biệt lớn trong liều dùng kháng sinh giữa các nước tại cùng một khu vực. Tại châu Âu, mức sử dụng kháng sinh trung bình là gần 18 DDD/1.000 người/ngày. Tuy nhiên, tại châu lục này, Thổ Nhĩ Kỳ xếp vị trí cao nhất với hơn 38 DDD, cao gấp 5 lần so với quốc gia có mức sử dụng thấp nhất là Azerbaijan với dưới 8 DDD. Như vậy, sự khác biệt lớn về liều dùng kháng sinh tại nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng một số nước có thể đang lạm dụng kháng sinh, trong khi những nước khác có lẽ không được tiếp cận đầy đủ với loại thuốc có khả năng cứu sống hàng triệu người này.

Theo Giám đốc bộ phận các loại thuốc thiết yếu của WHO - bà Suzanne Hill, việc sử dụng kháng sinh quá liều và sai mục đích là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nhờn kháng sinh. Vi khuẩn có thể kháng thuốc khi bệnh nhân sử dụng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết, hoặc không uống hết liều do bác sỹ kê đơn khiến vi khuẩn phục hồi và xây dựng được miễn dịch. Bà Hill cảnh báo nếu không có các loại kháng sinh và những loại thuốc chống vi trùng hiệu quả khác, con người sẽ mất khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi.

Bà Hill kêu gọi các nước cần khẩn trương hành động, như thực thi các chính sách nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Bên cạnh đó, WHO cho rằng việc thu thập dữ liệu đáng tin cậy về cách sử dụng kháng sinh đóng vai trò quan trọng nhằm giúp các nước nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh phù hợp. Từ năm 2016, WHO đã hỗ trợ thu thập dữ liệu tại 57 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn để theo dõi việc sử dụng kháng sinh.

Được phát minh từ đầu những năm 1920, kháng sinh đã giúp cứu sống hàng chục triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh lao, viêm phổi và viêm màng não. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, vi khuẩn đã tăng cường khả năng kháng lại cùng một loại thuốc kháng sinh từng tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn đó. WHO đã liên tiếp cảnh báo thế giới sắp hết thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả. Năm ngoái, cơ quan này hối thúc các chính phủ và các công ty bào chế dược phẩm tạo ra thế hệ kháng sinh mới nhằm chống lại các siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh.
 
Nguyễn Hằng

Có thể bạn quan tâm