Vươn lên trên miền đất khó

Vươn lên trên miền đất khó
Nhà nông trẻ Lê Khánh Thịnh trong mô hình trồng cây công nghiệp dài ngày của mình
Nhà nông trẻ Lê Khánh Thịnh trong mô hình trồng cây công nghiệp
dài ngày của mình


Khó khăn, thất bại không nản chí

Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông Hà Tĩnh, gia đình có 7 anh em, với cuộc sống hết sức khó khăn, chạy ăn từng bữa, năm 19 tuổi chàng trai trẻ Lê Khánh Thịnh quyết định rời quê đi kinh tế mới tại xã Tiên Hoàng - huyện Cát Tiên lập nghiệp. Vào thời điểm ấy, xã Tiên Hoàng rất hoang vu, heo hút với bao khó khăn vất vả nhưng chàng trai ấy vẫn không nản chí mà quyết vươn lên trên mảnh đất khó này. 
Năm 1990, anh xây dựng gia đình với chị Đinh Thị Giang trên mảnh đất kinh tế mới với 2 bàn tay trắng, không vốn liếng, không nghề nghiệp, vợ chồng anh bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh trên vùng rốn lũ. Quyết không để cái đói cái nghèo đeo bám mình mãi, vợ chồng anh vay vốn chăn nuôi bò, heo và gà, bước đầu mô hình này cũng đem lại hiệu quả và gia đình anh gom góp vốn đầu tư mua rẫy, khai hoang, đến nay, diện tích rẫy của gia đình anh hơn 30ha. Trong đầu anh luôn ấp ủ ý tưởng phải làm sao biến nơi đây thành những khu rừng cây đem lại giá trị kinh tế cao. Nói là làm, anh cùng gia đình bắt tay vào trồng cây, bước đầu anh đến Đồng Nai mua rất nhiều cây giống các loại như điều, sưa đỏ, xà cừ, lát (Mêhyco)... về trồng. Tuy nhiên, do mới tiếp cận lĩnh vực mới cộng với cây không phù hợp với thổ nhưỡng, khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật chưa nhiều nên anh đã nhiều lần gặp thất bại.
Với sự quyết tâm và sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, anh Thịnh đã tự đi học hỏi những nơi có kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, các mô hình sản xuất - kinh doanh tiên tiến ở tỉnh Đồng Nai, Bình Phước để tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, gia đình anh có hơn 13ha điều được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo đúng quy cách, mỗi năm thu hoạch gần 20 tấn điều với giá thị trường ổn định gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng, nếu giá điều cao như hiện giờ thì gia đình anh thu về hơn 600 triệu đồng. Bên cạnh cây điều anh quy hoạch 19ha trồng cây keo, anh Thịnh cho biết nếu trồng keo theo phương pháp quảng canh, bình quân mỗi vụ thu về khoảng 55 triệu đồng/ha. Song để nâng cao giá trị trên 1ha rừng trồng, anh đang chuyển dần từ trồng keo theo phương pháp quảng canh sang tỉa thưa và công nghiệp. Hiện tại, 1ha rừng keo trồng sau 4 năm sẽ cho thu 65 đến 75 triệu đồng. Không chỉ trồng keo và điều, diện tích đất rừng còn lại hơn 3ha anh trồng cây công nghiệp như bời lời và sao đã được 4 năm tuổi và khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. 
Nhờ kiên trì, chịu khó, quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê hương mới, giờ đây gia đình anh đã được xếp vào diện khá giả của xã và chăm lo cho con cái ăn học đàng hoàng. 
Gương sáng để học tập
Anh Thịnh cho biết: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, trước hết mình phải cần cù chịu khó trong lao động, sản xuất. Sau đó, phải biết trồng cây gì hay nuôi con gì cho phù hợp. Đặc biệt phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó đối với cây điều, mình phải biết chọn giống tốt, bón phân, tạo tán, tỉa cành hợp lý. Đối với cây keo phải trồng và tỉa cây trên một diện tích hợp lý, có như vậy vườn cây mới phát triển tốt cho năng suất cao”.
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, anh Lê Khánh Thịnh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và nhận đỡ đầu giúp đỡ em Triệu Thị Huệ bị tàn tật (thôn 2, xã Tiên Hoàng) với số tiền ban đầu 10 triệu đồng để mở quán tạp hóa có thu nhập ổn định; bên cạnh đó, còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động ổn định với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng/người và khoảng 15 người lao động thời vụ. Anh Thịnh bộc bạch thêm: “Phát triển kinh tế gia đình là không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà phải giúp đỡ những bà con gặp khó khăn để họ cũng có thể vươn lên làm giàu, như vậy, quê hương, đất nước mình mới ngày càng giàu đẹp và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương được bền vững hơn”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hoàng Nguyễn Tấn Triều cho biết: “Anh Thịnh là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; biết lắng nghe, học hỏi, giúp đỡ chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo. Mô hình kinh tế của gia đình anh đã cho thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm. Với những thành tích đạt được, vừa qua, hộ gia đình anh Lê Khánh Thịnh đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Lâm Đồng”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm