Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã tạo cú hích mạnh mẽ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người S’Tiêng vươn lên phát triển kinh tế, vượt khó, thoát nghèo, đời sống ngày một ổn định và nâng cao.
Trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên đời sống khá giả. Ngoài sự nỗ lực của từng gia đình, các cấp chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển sản xuất.
Trong số đó, nguồn vốn vay được người dân sử dụng có hiệu quả nhất chính là vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sở dĩ, bà con nông dân yên tâm khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là vì lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài, từ đó, tạo tâm lý khá thoải mái để phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất, giúp họ thoát nghèo bền vững.
Từ khi lập gia đình, hai vợ chồng anh Điểu Dốp ở thôn Đắk Son, xã Phú Văn chỉ với đôi bàn tay trắng. Năm 2018, anh được Nhà nước hỗ trợ xây căn nhà tình thương với một con bò giống, tuy nhiên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đến năm 2019, anh tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cho vay 20 triệu đồng mua thêm bò và heo giống để phát triển sản xuất. Đến nay, đàn bò gia đình anh đã có 4 con. Anh Điểu Dốp phấn khởi cho biết, gia đình rất vui được cấp nhà, cấp bò. Sau đó, gia đình được vay vốn ưu đãi nên kinh tế phát triển hơn. Bây giờ cuộc sống gia đình cũng đã ổn định hơn.
Hiện nay, ngoài chăn nuôi, hai vợ chồng còn đi cạo mủ cao su thuê thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Trước sự nỗ lực vươn lên sau khi nhận được hỗ trợ từ nhà nước, gia đình anh Dốp đã vượt khó thoát nghèo.
Còn gia đình anh Điểu Lương ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn nuôi lợn đã nhiều năm, nhưng với số lượng ít đã không giúp gia đình thoát nghèo. Đầu năm 2021, gia đình anh Lượng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách và đầu tư mua lợn giống, mở rộng chuồng trại phát triển sản xuất. Đến nay, chuồng lợn gia đình anh có hơn 30 con với 4 chủng loại lợn khác nhau.
Qua đó, giúp kinh tế gia đình anh Lương có thu nhập khá ổn định so với trước kia. Anh Điểu Lương cho biết, gia đình cũng có ít vườn trồng cây điều nhưng thu nhập chỉ vài chục triệu. Năm vừa qua, sau khi nhận số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã đầu tư nuôi lợn số lượng lớn. Đến bây giờ, gia đình có thêm thu nhập khá.
Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn Điểu Biên thấy bà con đã sử dụng vốn vay hiệu quả. Khi bà con trong tổ vay vốn để nuôi lợn, mua bò với mong muốn thu nhập cao hơn và nhờ chịu khó chăn nuôi, chăm sóc cây trồng nên nhiều hộ vay từ nguồn vốn ưu đãi đã có cuộc sống khá giả.
Cùng với các chính sách hỗ trợ ở địa phương, vốn vay ưu đã đã tích cực hỗ trợ người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân hơn 88,4 tỷ đồng cho 1.137 hộ nghèo, cận nghèo và hơn 67,1 tỷ đồng cho các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 134, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường… Vốn vay ưu đãi không chỉ giúp bà con có điều kiện triển sản xuất, nâng cao đời sống mà còn tránh vay tín dụng đen tiềm ẩn nhiều rủi ro hậu quả khó lường.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập Vũ Thị Minh cho biết, tất cả các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Trong thời gian qua, vốn vay mang lại hiệu qủa rất cao. Thông qua nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn chính thống của Nhà nước cũng như là hạn chế được tín dụng đen hoành hành ở cơ sở trong thời gian vừa qua.
Ở huyện biên giới Bù Gia Mập, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào thiểu số S’Tiêng. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với ý thức chịu khó làm ăn, trong thời gian qua đời sống của bà con đã không ngừng được nâng lên, cuộc sống ngày một ổn định, tỷ lệ hộ ngày một giảm mạnh theo hướng bền vững.
K GỬIH