Vốn chính sách giúp an sinh xã hội nơi vùng khó tỉnh Gia Lai

Vốn chính sách giúp an sinh xã hội nơi vùng khó tỉnh Gia Lai

Nhằm chung tay vì mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã tranh thủ nguồn vốn (Trung ương, địa phương) và điều hành nguồn vốn linh hoạt giữa các chương trình tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo góp phần an sinh xã hội tại các vùng khó khăn.

Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng nguồn vốn chính sách tỉnh Gia Lai đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 41 lần so với năm 2003. Đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các địa phương đã ưu tiên dành một phần nguồn vốn Ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Vốn chính sách giúp an sinh xã hội nơi vùng khó tỉnh Gia Lai ảnh 1 Các công trình nhà vệ sinh nước sạch của các hộ dân tộc thiểu số được xây dựng trên nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác đạt 320 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh; trong đó, nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh ủy thác đạt 206 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách UBND huyện, thị xã, thành phố ủy thác đạt 114 tỷ đồng.

Ông Ksor Nhui, thôn Sô Ma Hang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho hay, gia đình ông là một trong những hộ được vay theo chương trình từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (theo Nghị định số 78/2022/NĐ-CP). Năm 2019, nhờ tổ Tiết kiệm và vay vốn của xã đến khảo sát gia cảnh, gia đình ông được làm hồ sơ vay 50 triệu vốn cho đối tượng hộ cận nghèo.

Từ nguồn vốn vay này, ông Ksor Nhui mua 3 con bò sinh sản về chăn nuôi, hiện bò đã đẻ thêm được 3 con. Năm 2022, gia đình ông đề nghị vay bổ sung thêm 40 triệu đồng để mua tiếp 2 con bò và trồng thêm cây ăn trái trong vườn rẫy. Cũng nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ mà gia đình ông Nhui đã không còn lo cảnh thiếu ăn, ngày càng có thu nhập ổn định hơn, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Để đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ vay, các Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố cùng các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cấp xã xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% thôn, làng, tổ dân phố. Hiện, hệ thống đã có hàng nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn để người dân dễ dang tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách.

Vốn chính sách giúp an sinh xã hội nơi vùng khó tỉnh Gia Lai ảnh 2 Gia đình chị Đinh Thị Ren, dân tộc Bahnar, làng Chro Ktu Đăk Yang, xã Yang Bắc (Đăk Pơ, Gia Lai) được vay vốn tín dụng vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Bà Rah Lan H'Mlin, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa chia sẻ, hiện, tổng dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Đoàn Kết đạt gần 2 tỷ đồng với 50 hộ vay vốn, tỷ lệ thu lãi hàng tháng đạt 100% lãi phải thu, không có lãi tồn, không có nợ quá hạn. Từ khi có nguồn vốn này, người dân nghèo trong buôn rất phấn khởi vì có chỗ dựa, có nguồn vay từ đó cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Prông, thông qua hoạt động cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến với 100% thôn, làng trên địa bàn huyện. Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của huyện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành một trong những điểm tựa trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cụ thể, nhiều hộ được thụ hưởng từ 2 - 4 chương trình tín dụng chính sách, đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống như: vay vốn sản xuất, nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập... các chương trình tín dụng chính sách được bổ sung mới tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh Gia Lai trong 20 năm qua đã giúp cho hơn 225 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hút và giải quyết cho 35 nghìn lao động có việc làm ổn định; trong đó, có 666 đối tượng chính sách được đi xuất khẩu lao động và làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Các chương tình tín dụng cũng đã hỗ trợ gần 64 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 14 nghìn căn nhà để ở cho hộ nghèo và gần 230 căn nhà cho người có thu nhập thấp.

Cùng với đó, nguồn vốn chính sách còn giúp an sinh xã hội vùng sâu, vùng xa như xây dựng hơn 200 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, giúp hơn 125 nghìn hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, từ nguồn vốn chính sách xã hội địa phương cũng đa giúp 68 đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho hơn 1 nghìn lao động vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa qua.

Từ nhìn nhận thực tế, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai rộng rãi, kịp thời đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến tận các thôn, làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn vay không những đầu tư sản xuất kinh doanh mà còn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...

Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách cũng đã giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ chuyển biến về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận với cách thức sản xuất hàng hóa, tạo sự chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao, nhân dân ngày càng phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm