Vĩnh Phúc: Đổi mới công nghệ phát triển bền vững làng nghề

Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN
Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN

Trước áp lực về ô nhiễm môi trường, trong những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư, đổi mới công nghệ hướng đến sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Đây cùng là giải pháp cho sự phát triển bền vững của mỗi làng nghề trong thời kỳ hội nhập.

Ở làng nghề mộc Thanh Lãng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc từ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc. Tuy nhiên, đa phần hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư đã tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Tại những xưởng sản xuất, bụi gỗ bay tứ tung ra môi trường xung quanh. Cùng với đó, mùi dung môi pha sơn nồng nặc, phát tán ra không khí ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Vĩnh Phúc: Đổi mới công nghệ phát triển bền vững làng nghề ảnh 1 Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch-TTXVN


Tương tự, tại làng nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường hiện có hơn 700 hộ tham gia làm nghề rèn. Hiện nay, đa phần các hộ ở làng rèn Bàn Mạch vẫn sử dụng lò than để nung thép. Ông Nguyễn Ngọc Vụ, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết, nhiều hộ làm nghề ở Bàn Mạc muốn thay đổi sản xuất từ lò than sang lò đốt bằng gas hoặc điện nhưng thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa có hộ nào áp dụng được.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, tại các làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn, việc tác bảo vệ môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô sản xuất nhỏ, chậm đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, các làng nghề còn xen kẽ trong khu dân cư. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý nước thải trong làng nghề vẫn còn hạn chế.

Để hướng đến nền sản xuất sạch hơn, giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải.

Tỉnh Vĩnh Phúc đưa việc hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn vào chương trình khuyến công để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe con người.

Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có 4 làng nghề mộc đang hoạt động với hơn 1.600 hộ sản xuất. Theo tính toán, mỗi năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề thải ra ngoài môi trường khoảng hơn 1.500 tấn chất thải.

Tham gia vào dự án đánh giá về áp dụng sản xuất sạch hơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ thị trấn xây dựng và đưa vào vận hành 1 lò đốt rác thải chung tại thôn Vĩnh Đông và hỗ trợ  60 lò xử lý bụi trà tại các xưởng sản xuất gỗ. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề.

Một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên cũng đã áp dụng sản xuất sạch hơn chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Cơ sở sản xuất gốm của anh Nguyễn Hồng Quang đã mạnh dạn đầu tư lò nung gốm trị giá hơn 300 triệu đồng để thay đổi công nghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò nung gas hiện đại.

Anh Nguyễn Hồng Quang cho biết, từ khi sử dụng hệ thống lò nung bằng gas, tỷ lệ sản phẩm gốm bị hỏng giảm xuống còn 2 – 5% trong khi trước kia với lò thủ công đốt bằng củi, con số này là là khoảng 20-30%. Sử dụng lò nung bằng gas giúp sản phẩm gốm Hương Canh được đều màu hơn, chất lượng cao hơn. Đồng thời, môi trường làm việc của người thợ được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thay đổi sản xuất sạch hơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc có cơ chế nhằm thu hút các dự án bảo vệ môi trường, thúc đẩy xã hội hóa việc bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

Việc áp dụng sản xuất sạch hơn đang dần được các cơ sở sản xuất trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện. Bước đầu những mô hình sản xuất sạch hơn đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Từ những hiệu quả sản xuất sạch hơn mang lại sẽ giúp các làng nghề có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm