Ngoài vaccine ngừa COVID-19 đường tiêm, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi, nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch.
Theo nhà nghiên cứu Nathalie Mielcarek đang làm việc cho Viện Pasteur Lille để phát triển một loại vaccine xịt mũi chống lại bệnh ho gà, virus thường lây nhiễm cho con người qua mũi. Do đó, mục tiêu sản xuất vaccine dạng xịt là nhằm ngăn virus xâm lấn”.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American tháng 3 vừa qua cũng khuyến khích các nhà khoa học phát triển vaccine xịt mũi vì chúng có hiệu quả tức thì trong việc khắc chế virus trong dịch nhầy của người bệnh. Khi xịt vào đường khoang mũi, vaccine sẽ kích hoạt sản xuất một loại kháng thể được biết đến với tên gọi immunoglobulin A, giúp ngăn chặn lây nhiễm. Theo nghiên cứu, phản ứng được gọi là miễn dịch khử trùng này sẽ làm giảm cơ hội lây truyền virus cho con người.
Các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng nặng của COVID-19 nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo chuyên gia Mielcarek, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn. Bên cạnh đó, vaccine xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.
Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vaccine đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vaccine đều chết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vaccine xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Trong số những ứng cử viên nổi bật có vaccine dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.
Bà Isabelle Dimier-Poisson, người đứng đầu cuộc nghiên cứu có tính khả thi, lạc quan cho rằng vaccine xịt mũi có thể giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch.
Ngọc Hà