Sáng 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác năm 2024 đạt mục tiêu đề ra. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc rà soát, kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được chú trọng, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia. Ngoài ra, 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Khẳng định tầm quan trọng của công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong công tác dân tộc của năm 2024, trong đó đáng chú ý có những kết quả tích cực về giảm nghèo; giáo dục - đào tạo; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở...
Bày tỏ vui mừng trước những chuyển biến rất tích cực ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, những lĩnh vực này đã đạt được bước tiến dài; đời sống, sinh kế của người dân từng bước được cải thiện, ngày càng nâng cao.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao tinh thần cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận về những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác của Ủy ban Dân tộc; đề nghị Ủy ban tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng các địa phương nhanh chóng rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp tháo gỡ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ làm công tác dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ này, bởi đây chính là những "cầu nối" góp phần đưa chính sách vào cuộc sống.
"Chúng ta may mắn được thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, của Nhà nước, của Chương trình mục tiêu quốc gia, đường lối nhiều, nguồn lực đầu tư nhiều nhưng ta không làm được điều gì "ra tấm ra món" cho bà con, cho đồng bào, thì chúng ta có thiếu sót. Có thể năng lực, trình độ chung còn cái thiếu hơn nhưng nhiệt tình và trách nhiệm phải cao hơn", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc giải quyết các chính sách dân tộc, nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc và công tác phát triển các vùng miền núi. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã thông tin, đánh giá về kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc tại địa phương; đồng thời phân tích nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, trong đó có vấn đề về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững...
Hiền Hạnh