Chăm sóc cây hoa cúc tại trang trại Hoa Việt, xã Định Bình. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Mỗi năm huyện Yên Định trồng được 30 ha cà chua và nhiều diện tích trồng hoa cúc, dạ yến thảo, nhưng việc phát triển 3 loài cây này còn hạn chế do hay bị dịch bệnh, mất mùa và rớt giá. Vì vậy, thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cà chua ghép và hoa tại huyện Yên Định” sẽ giúp người dân có nguồn giống chất lượng, kĩ thuật canh tác mới để nâng cao thu nhập. Ban Chủ nhiệm dự án đã lựa chọn trang trại Hoa Việt, trang trại Yên Phong thuộc 2 xã Định Bình và xã Yên Phong tham gia dự án, sau đó xây dựng nhà màng nilon với diện tích 1.000 m2, lắp các thiết bị, hệ thống tưới tiêu. Nhằm sản xuất ra nguồn giống tốt phục vụ sản xuất, Ban Chủ nhiệm dự án đã thực hiện công nghệ ghép cà chua trên gốc cà chua tím để tạo ra cây giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh. Trong đó, chọn gốc ghép là hạt giống cây cà tím EG203 và hạt giống cây cà chua lai làm ngọn ghép để tạo ra cây cà chua ghép được trồng trong 3 tháng. Sản phẩm tạo ra là những quả cà chua ghép trái vụ và chính vụ chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm khi đến tay người dùng.
Ươm giống cây hoa Dạ yến Thảo trong khay. Ảnh: TTXVN phát |
Đối với giống hoa cúc, cán bộ dự án sử dụng công nghệ giâm cành, xử lý mầm, sau đó nhúng kích thích ra rễ và cắt tỉa lá bệnh nhằm giảm sự thoát hơi nước, giâm trên nền giá thể cát để tạo ra cây con. Trong khi đó, giống hoa dạ yến thảo được áp dụng kỹ thuật gieo hạt, ươm giống ra cây con, dùng chất kích thích sinh trưởng và phân bón nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, nâng cao năng suất. Để 3 giống cây phát triển tốt, cán bộ dự án đã thực hiện công nghệ xử lý phân hóa mầm, sử dụng các thiết bị hệ thống tưới trong nhà màng để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó, công nghệ điều khiển sinh trưởng trong sản xuất hoa cúc, dạ yến thảo được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống đèn điện để tăng thời gian sáng và dùng hệ thống tưới nhỏ giọt để điều khiển sinh trưởng cho hoa phát triển. Từ năm 2016 tới nay, mỗi năm cán bộ dự án nhân giống khoảng 100.000 cây cà chua ghép con, 5 triệu cây hoa cúc, dạ yến thảo. Nhờ đó, năng suất cà chua ghép trái vụ đạt 2,5 tấn/sào/vụ, hoa cúc đạt 350.000 cành/năm, hoa dạ yến thảo đạt 1.000 chậu/năm.
Mô hình trồng cà chua ghép và hoa tại trang trại Hoa Việt, xã Định Bình của gia đình anh Trịnh Quốc Toản. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Anh Trịnh Quốc Toản, chủ trang trại Hoa Việt, xã Định Bình, cho biết trang trại của gia đình anh được dự án chọn làm nơi thực hiện các mô hình trồng cà chua ghép và hoa cúc, dạ yến thảo. Sau khi dự án kết thúc, anh tiếp tục sử dụng công nghệ mới được cán bộ dự án chuyển giao để thực hiện các mô hình trồng cà chua ghép và hoa, nhờ đó chất lượng sản phẩm được cải thiện hơn trước. Cà chua ghép, do được trồng bằng công nghệ mới nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo, khi bán ra thị trường được nhiều người mua. Còn hoa cúc, dạ yến thảo do trồng đúng kĩ thuật nên hoa to, đẹp, được nhiều người mua về làm cảnh trong dịp lễ, tết. Hiện trung bình mỗi năm gia đình anh đã thu nhập được 300 triệu đồng từ trồng cà chua ghép và hoa. Theo ông Hà Duyên Lục, cán bộ UBND huyện Yên Định, Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án đã tạo ra giống cây có chất lượng tốt, tiết kiệm nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn cho 100 nông dân về kĩ thuật trồng cà chua ghép và hoa; đồng thời tạo ra mô hình liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất và người nông dân bằng cách giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập khá. Năm 2019, huyện Yên Định sẽ tiếp tục phối hợp với chủ các trang trại, người dân để nhân rộng, chuyển giao các mô hình nhân giống, trồng cà chua ghép và hoa. Cùng với đó, huyện sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng hoa tại địa phương để tạo thành một vùng sản xuất hoa chuyên canh của tỉnh.
Nguyễn Nam