Từng đi làm công nhân trong khu công nghiệp hiện đại trên thành phố, nhưng quyết định nghỉ việc để “bỏ phố về rừng” Đam Rông (Lâm Đồng), chị Nguyễn Phương Bắc đã trở thành “tỷ phú” ở tuổi 40. Chị vinh dự được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu, nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".
Lấy ngắn nuôi dài
Đam Rông là một địa phương khó khăn, nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng. Bén duyên với vùng đất này từ độ tuổi thiếu nữ khi Nguyễn Phương Bắc cùng cha mẹ từ Nghệ An di cư lập nghiệp tại vùng đất mới. Như bao cô gái khác, vừa tốt nghiệp phổ thông, Phương Bắc khăn gói vào Nam xin làm công nhân may cho các nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm sống xa nhà, chị đã xin nghỉ làm và quyết định “bỏ phố về quê” lập nghiệp.
Thời điểm mới về Rô Men (huyện Đam Rông), hằng ngày, chị phải đi làm thuê cho các hộ dân trong vùng để tích cóp vốn liếng khởi nghiệp. Sau khi có trong tay 1,2 triệu đồng, chị Phương Bắc bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Nhận thấy vùng đất này có nhiều hộ trồng cà phê, nông sản, chị đã nảy sinh ý định thu mua cà phê trong các buôn làng rồi bán cho đại lý, kiếm tiền lời từ giá chênh lệch. Nhờ chịu khó lặn lội đến các vườn cà phê xa xôi, thu mua được với giá rẻ hơn, chị nhanh chóng tích lũy được số vốn đáng kể. Từ đó, chị tiếp tục mở rộng quy mô của đại lý thu mua cà phê, đồng thời cung ứng thêm phân bón cho người dân địa phương. “Sau khi có được số vốn nhiều hơn, tôi bắt đầu mua thêm đất, thêm vườn để trồng cà phê, sầu riêng để tích lũy lâu dài. Công việc buôn bán tôi vẫn duy trì để lấy ngắn nuôi dài, chờ đợi những vườn cà phê, nông sản đến ngày cho quả ngọt” - chị Nguyễn Phương Bắc cho biết.
Sau hơn mười năm khởi nghiệp, “cơ ngơi” của nữ nông dân Nguyễn Phương Bắc đã thuộc dạng nhất, nhì ở địa bàn xã Rô Men. Đến nay, gia đình chị đã sở hữu 9 ha cà phê canh tác theo quy trình hữu cơ, cho năng suất hơn 20 tấn cà phê nhân/năm. Trên đất cà phê, chị Bắc trồng xen canh gần 500 cây sầu riêng và 1.000 cây dứa Cayenne đặc sản, kết hợp trồng cỏ nuôi bò thịt. Đặc biệt, chị còn dành 2 ha đất xây dựng trang trại nuôi cá tầm, đạt sản lượng khoảng 25 tấn/năm. Với mô hình kinh tế tổng hợp, giúp cho gia đình chị đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, nhân công lãi hơn 7 tỷ đồng.
“Hệ sinh thái” V.A.T +
Dù đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình vườn, ao, chuồng nhưng Nguyễn Phương Bắc vẫn tiếp tục nỗ lực, vươn lên làm giàu bằng các mô hình kinh tế mới. Nhận thấy xu hướng hiện nay có nhiều người thích tìm về những nơi gần gũi thiên nhiên để nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, chị Bắc đã quyết định mua đất lập trang trại để bảo tồn, trồng thảo dược kết hợp phát triển du lịch.
Năm 2021, vợ chồng chị Nguyễn Phương Bắc bắt tay vào gây dựng khu trang trại kết hợp du lịch rộng 12 ha với tên gọi “Suối nguồn Rô Men” trên địa bàn thôn 4, xã Rô Men. Với vị trí đắc địa, có núi, có rừng tự nhiên, có suối nước mát chảy quanh năm, chị Bắc cho trồng những giống dược liệu quý đồng thời xây dựng các khu nhà nghỉ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Hiện nay, khu du lịch đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ cung cấp cho du khách trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, thưởng thức cá suối, rau rừng và các đặc sản địa phương như cá tầm, sầu riêng, dứa Cayenne… Chị Bắc chia sẻ, khi đi vào hoạt động, trang trại du lịch sẽ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho gia đình chị cũng như du khách. Đặc biệt, với nguồn thảo dược và nông sản tại chỗ, du khách có thể thoải mái dưỡng bệnh, “sống chậm” tại chỗ, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị bền vững, khác biệt của vùng đất Đam Rông.
Mô hình trên cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng trao giải Khuyến khích trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối” năm 2023. Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men nhận định, mô hình trang trại du lịch của gia đình chị Nguyễn Phương Bắc là một sự sáng tạo, mới mẻ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, chị Bắc cũng là một tấm gương điển hình trong nỗ lực vươn lên làm kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn xã.
Theo UBND xã Rô Men, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, chị Nguyễn Phương Bắc còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương. Điển hình như năm 2021, chị được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống COVID-19; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2022 vì đã có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu”. Năm 2023, chị Nguyễn Phương Bắc vinh dự được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu, nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Nguyễn Dũng