Nữ tỷ phú rau sạch ở vùng cao

Nữ tỷ phú rau sạch ở vùng cao
Bà Nguyễn Thị Luyến cùng các hội viên đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: internet
Bà Nguyễn Thị Luyến cùng các hội viên đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: internet

Bà Nguyễn Thị Luyến quê gốc Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1980, bà Luyến cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Mộc Châu, Sơn La. Khi mới lên Sơn La, kinh tế gia đình khó khăn, bà Luyến và gia đình đã phát nương làm rẫy, trồng ngô khoai sắn. Sau này khi có chút vốn, với kinh nghiệm trồng rau ở Thường Tín, bà Luyến đã nghĩ tới việc phát huy lợi thế của vùng đất Mộc Châu để phát triển trồng rau an toàn. 

Từ ý tưởng đó, năm 2011, bà Luyến cùng với một số người bạn là cựu chiến binh đã vận động người dân trong xóm thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với 19 hộ thành viên, sản xuất trên diện tích 7,5 ha. 

Đến năm 2013, cùng với sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và sự ra đời của Luật Hợp tác xã (năm 2012), bà Luyến mạnh dạn đứng lên chuyển đổi tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ban đầu sang Hợp tác xã trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với ngành nghề chính là sản xuất rau, củ, quả an toàn; cung ứng giống, vât tư nông nghiệp; cung cấp nông sản an toàn. 

Bà Luyến chia sẻ: Thành lập hợp tác xã khó lắm. Nhiều người dân vẫn quen sản xuất theo kiểu thích gì làm nấy. Trong khi đó, sản xuất của hợp tác xã theo tiêu chuẩn VietGAP phải có quy trình, thực hiện việc ghi chép, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng. 

Bước đầu gặp nhiều khó khăn, song việc càng khó bà Luyến càng quyết tâm thực hiện. Trước tiên, bà huy động các thành viên trong gia đình và họ hàng tham gia sản xuất với mục đích làm trước cho người dân thấy có hiệu quả, có lợi ích, họ sẽ tự nguyện làm theo. Trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã trồng rau sạch của bà Luyến luôn tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, sơ chế đến khâu bảo quản sản phẩm; thực hiện việc cải tiến kỹ thuật, thay nhà lưới đơn giản bằng nhà lưới kiên cố hoặc nhà kính; ứng dụng công nghệ mới như van xoay vừa tưới vừa phun sương... 

Bằng nỗ lực không ngừng, hiện Hợp tác xã trồng rau sạch bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu do bà Luyến làm Giám đốc đã thu hút được sự tham gia của 35 hộ gia đình. Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã lên tới 14.000 ha, hàng năm cho thu hoạch trên 900 tấn rau, củ, quả các loại. Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động và 100 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 4,5 – 12 triệu đồng/ người/ tháng. 

Chị Trần Thị Hiệp – thành viên Hợp tác xã cho biết, trước đây gia đình chị cũng trồng rau, củ, quả nhưng giá bán không cao lại phụ thuộc vào thương lái. Từ năm 2014, gia đình chị đăng ký gia nhập Hợp tác xã trồng rau sạch bản Tự Nhiên, được hợp tác xã cung cấp phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Năm 2016, gia đình chị Hiệp chỉ trồng bắp cải 2/4 vụ mà thu nhập đã lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Hợp tác xã chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, ký kết hợp đồng tiêu thụ và thỏa thuận thương mại với các đối tác. Ngay từ đầu năm, Hợp tác xã đã lên kế hoạch sản xuất theo hợp đồng, các hộ thành viên chủ động đăng ký sản xuất nên không lo dư thừa sản phẩm mà giá thành sản phẩm luôn ở mức ổn định. Trên diện tích đất của các thành viên, Hợp tác xã chú trọng phát triển các sản phẩm thế mạnh, có tính cạnh tranh cao như cải mèo, su su, bắp cải, su hào, cà chua... Ngoài ra, Hợp tác xã đang từng bước sản xuất các giống cây ăn quả như mận, mơ, bơ, hồng, xoài, cam, quýt... 

Hợp tác xã trồng rau sạch bản Tự Nhiên còn hướng đến mục tiêu cung cấp các nông sản sạch cho toàn khu vực miền Bắc, trong đó chú trọng vào thị trường thành phố Hà Nội. Các sản phẩm của Hợp tác xã hiện đã có thương hiệu tại các siêu thị lớn như Metro, Fivimart, BigGreen. Mới đây Hợp tác xã đã tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup. Tất cả các sản phẩm mà Hợp tác xã cung cấp ra thị trường đã được cấp mã, tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm nông sản sạch và an toàn. 

Về hướng phát triển trong thời gian tới, bà Luyến cho hay, Hợp tác xã trồng rau sạch bản Tự Nhiên sẽ tập trung phát triển diện tích trồng, đa dạng sản phẩm và chất lượng rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường gắn kết trách nhiệm giữa người sản xuất và tiêu thụ, mở rộng tổ chức sản xuất rau, quả sạch theo chuỗi... đáp ứng nhu cầu thị trường nông sản sạch tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học miền núi phía Bắc, Hợp tác xã đang giúp thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau, quả an toàn ở các bản lân cận trong xã như bản Búa, bản Áng 1 và bản Áng 2, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. 
Diệp Anh (TTXVN)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm