|
Một góc sông Lô, địa phận thành phố Tuyên Quang. Ảnh Quang Đán – TTXVN |
Lúc 13 giờ ngày 26/8, theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang ghi nhận được mực nước sông Lô qua thành phố Tuyên Quang đạt 22,3 m (trên báo động 1 là 0,3m). Đây là trận lũ lớn nhất trên sông Lô và sông Gâm tại Tuyên Quang tính từ đầu mùa mưa đến nay. Lũ lên cao làm ngập úng một số diện tích cây trồng của người dân canh tác dọc hai bên ven bờ sông Lô, sông Gâm.
Nước sông Lô địa phận thành phố Tuyên Quang dâng cao. Ảnh Quang Đán – TTXVN |
Trước tình hình trên, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát tình hình nước lũ để chỉ đạo người dân phòng, chống kịp thời.
Ngoài ra, nhằm chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất (hiện tỉnh Tuyên Quang vẫn đang có mưa to trên diện rộng), tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, sở, ban, ngành trong tỉnh kiểm tra, cảnh báo các hộ gia đình ở ven sông suối, nơi vách núi, taluy cao, nơi thảm phủ thực vật thưa thớt, nơi rừng sản xuất mới được khai thác nắm bắt thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, trượt, lở đất; chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản; bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện xử lý ngay các sự cố, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình, khu vực hạ du công trình; vận hành các công trình hồ chứa an toàn, đặc biệt các hồ chứa xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn không để sự cố xảy ra. Bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt; kiểm soát người, phương tiện qua lại tại các khu vực đường tràn, ngầm, đường bị ngập, khu vực bến đò, không để người dân đi lại qua các khu vực ngầm tràn, vớt củi trên sông suối khi có mưa lũ xảy ra…
Vũ Quang Đán