Với 7 ha trồng ngải cứu, gia đình anh Phạm Tiến Dũng ở xã Nghĩa Đồng (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của đối tác trong và ngoài nước.
Trồng ngải cứu xuất khẩu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Dũng mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc cải tạo đất bạc màu, phát triển kinh tế gia đình.
Vùng đất bãi “nở hoa”
Vùng đất bãi ven sông Đào trước đây nhiều thời điểm bỏ hoang, cây, cỏ dại mọc um tùm, nhưng với tinh thần “dám nghĩ dám làm”, anh Dũng đã biến vùng đất này trở thành mô hình trồng ngải cứu xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao đầu tiên tại địa phương.
Thăm mô hình trồng ngải cứu của gia đình anh Dũng vào một ngày giữa tháng 4/2023, khi hạt sương đêm còn đọng lại trên ngọn ngải cứu trắng buốt trông như những bông hoa tuyết long lanh dưới ánh mặt trời.
Phóng tầm mắt xa xa về phía cánh đồng ngải cứu xanh mướt, anh Dũng cho hay, năm 2018, sau khi dành thời gian tìm hiểu kinh nghiệm trồng, chăm sóc ngải cứu ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh; nghiên cứu chất đất, tìm hiểu thị trường, anh quyết định đưa cả gia đình rời thành phố Nam Định về xã Nghĩa Đồng thuê 70.000m2 đất bãi ven sông Đào để trồng ngải cứu xuất khẩu.
Anh Dũng nhớ lại, thời điểm đó, vùng đất ven đê tả sông Đào xã Nghĩa Đồng sau thời gian dài bị khai thác làm gạch ngói, đất không bằng phẳng, nhiều hố sâu, vừa bạc màu lại lẫn gạch vụn nên gia đình đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, đồng thời sử dụng khoảng 100 tấn phân chuồng ủ mục để cải tạo đất và cũng phải mất đến 2 năm mới có thể cải tạo, san lấp, xây dựng mô hình trồng ngải cứu quy mô như hiện nay.
Năm 2020, anh bắt đầu trồng lứa ngải cứu đầu tiên. Đây là loại cây khá dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng, sinh trưởng, phát triển tốt trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, để thân, ngọn ngải cứu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, việc trồng, chăm sóc loại cây này phải tuân thủ đúng quy trình. Phải bón lót cho cây bằng phân chuồng ủ hoai mục, hạn chế sử dụng phân hóa học.
Với khí hậu miền Bắc, những tháng đầu năm, cây phát triển mạnh và cho năng suất cao nhất. Thời điểm các tháng cuối năm, hanh khô kéo dài, anh Dũng sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây; thường xuyên tưới nước giúp cây phát triển tốt. Cùng với chăm sóc, phải thường xuyên kiểm tra để cắt ngải cứu đúng thời điểm, làm sao cho ngọn, thân ngải cứu không được quá già song cũng không quá non.
Triển vọng lớn
Hiện tại, gia đình anh Dũng đang cung cấp sản phẩm ngọn và thân ngải cứu cho 2 đơn vị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ớt Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Liên Hưng Phát (trụ sở tại tỉnh Bắc Giang) để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo anh Dũng, thị trường ngải cứu trong nước cũng như xuất khẩu đang rất tiềm năng. Lượng cung không đủ cầu, do đó, sản phẩm của gia đình anh sản xuất tới đâu, khách hàng nhập hết hàng tới đó và cam kết thu mua lâu dài. Gần đây, nhiều địa phương, đơn vị của các tỉnh, thành phố cũng tới thăm quan học hỏi kinh nghiệm và đặt hàng mua sản phẩm nhưng tạm thời gia đình chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách.
Năm 2023, đã có khách hàng đặt cung cấp khoảng 35 tấn ngọn ngải cứu/tháng song gia đình mới chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Thời gian tới, gia đình anh dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các hộ dân đủ điều kiện sản xuất ngải cứu xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm nâng cao thu nhập.
Với 7 ha ngải cứu, trung bình mỗi tháng, gia đình anh Dũng thu được khoảng 15 tấn sản phẩm. Với giá thu mua 8.000 đồng/kg, doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 120 triệu đồng. Hiện, gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 15-30 lao động địa phương, với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Thu (ở xã Nghĩa Đồng) đã làm việc tại trang trại trồng ngải cứu của gia đình anh Dũng 3 năm cho hay, công việc ở đây phù hợp với người có tuổi và phụ nữ. Tiền lương được nhận ở mức khá cao so với mặt bằng chung nên tất cả mọi người đều rất vui và gắn bó với công việc.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng Vũ Tiến Nam cho biết, trồng ngải cứu xuất khẩu là hướng đi mới tại địa phương, mở ra triển vọng lớn trong phát triển kinh tế hộ. Từ kết quả sản xuất những năm qua cho thấy, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, có khả năng nhân rộng cho nhiều nơi nhằm khai thác, chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng ngãi cứu xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng lưu ý, người dân nên có kế hoạch, định hướng trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm trước khi trồng để tránh tình trạng được mùa mất giá; nhiều người trồng ít người mua dẫn tới giá trị sản phẩm thấp...
Nguyễn Lành