Trồng lúa xen rẫy cao su tái canh giúp đồng bào dân tộc ở Bình Phước từng bước ổn định cuộc sống

Trồng lúa xen rẫy cao su tái canh giúp đồng bào dân tộc ở Bình Phước từng bước ổn định cuộc sống

Thời điểm này, trên những cánh đồng lúa được trồng xen trong rẫy tái canh cây cao su, cây điều, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) đang tấp nập vào mùa gặt. Việc những hộ có đất cho trồng lúa miễn phí một vụ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống.

Trồng lúa xen rẫy cao su tái canh giúp đồng bào dân tộc ở Bình Phước từng bước ổn định cuộc sống ảnh 1Người dân thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) gặt lúa trồng xen trong vườn cao su tái canh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Tại cánh đồng lúa gần khu dân cư thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, mọi người đều ấn tượng với sắc vàng, mùi hương lúa chín dưới sườn đồi. Do lúa trồng xen với cây cao su, vào mùa gặt, bà con phải dùng lưỡi liềm cắt thủ công thay vì thuê máy cắt liên hợp hiện đại.

Ông Điểu Ké - một người dân trong thôn vui vẻ cho biết, sau khi một số vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, chủ vườn đã thanh lý và tái canh. Cùng với việc trồng cây mới, chủ vườn đã tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số trong khu vực trồng xen cây lúa để có thêm nguồn thu. Dù lúa chỉ được cho trồng một vụ nhưng bà con nơi đây rất phấn khởi.

Gia đình ông Điểu Cách - một trong những hộ được chủ vườn cao su cho mượn đất tái canh khoảng 2 ha để trồng lúa nếp. Theo ông Cách, với diện tích trên, gia đình ước thu về vài tấn lúa tươi; còn rơm rạ sẽ để khô làm thức ăn cho đàn trâu vào mùa khô. Gia đình ông rất phấn khởi vì mùa giáp hạt năm nay sẽ không lo thiếu gạo ăn như trước đây.

Điều đáng mừng, giờ đây, nhiều gia đình trồng lúa đã biết chở rơm rạ về trữ cho trâu, bò ăn hoặc ủ dưới tán cây điều, làm phân hữu cơ... Trước đây, hầu hết bà con sau khi thu hoạch lúa thường đốt rơm rạ hoặc bỏ đi.

Theo Trưởng thôn Đắk Son 2 Điểu Blách, trong thôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số S’tiêng sinh sống, chiếm 82%. . Những hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được các chủ vườn tạo điều kiện trồng lúa một vụ trên mảnh đất tái canh cây cao su. Phú Văn là xã đặc biệt khó khăn của huyện, người dân trồng lúa nước nhưng hiệu quả thấp. Việc trồng lúa xen canh được địa phương ủng hộ; đồng thời thường xuyên nhắc nhở bà con cần chú ý bảo vệ tốt vườn cây cao su tái canh.

Việc được các chủ rẫy cho mượn đất trồng xen lúa giúp hộ đồng bào thiểu số nghèo ở vùng biên Bù Gia Mập xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn Phan Quang Thinh cho biết, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn ngoài trồng lúa nước còn trồng thêm lúa trên đồi xen trong rẫy cao su tái canh. Hầu hết lúa bà con trồng xem là đất thuê lại của các hộ có điều kiện kinh tế khá giả. Chăm sóc cây lúa xen canh không làm ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc cây cao su. Ngược lại, trồng cây lúa còn làm sạch cỏ dại, có tác dụng giữ đất, tránh xói mòn, giảm bớt nhân công làm cỏ cho chủ vườn cao su, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập thêm cho các hộ dân tộc thiểu số.

Việc tận dụng diện tích đất tái canh để trồng xen canh không chỉ riêng cây lúa mà nhiều cây ngắn ngày khác đã giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung tạo thêm nguồn thu, từng bước ổn định cuộc sống.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm