Bình Phước là địa phương có đường biên giới chung với Campuchia dài 260 km với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng. Qua đó, tạo sinh kế giúp đồng bào ổn định cuộc sống, chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Tỉnh Bình Phước có ba huyện gồm: Bù Đốp, Bù Gia Mập và Lộc Ninh với 15 xã tiếp giáp ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Dân số của địa phương là hơn 1 triệu người; trong đó gần 20% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đan xen trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở địa bàn giáp Tây Nguyên, biên giới.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, giai đoạn 2016-2021, tổng nguồn vốn tỉnh đã thực hiện qua các chính sách về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, chính sách sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới là gần 898 tỷ đồng. Địa phương đã sắp xếp ổn định dân cư, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo Quyết định số 482/QĐ-TTg, ngày 14/4/2010 ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020... Các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chuyển đổi nghề, mua sắm nông cụ sản xuất. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số với việc hỗ trợ mua con giống sinh sản và thực hiện cấp phát các loại máy, công cụ hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp... đã được triển khai đồng bộ, giúp hộ đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đến cuối tháng 10/2022, tỉnh đã xây dựng được 100 căn nhà tại 9 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và 3 điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đang đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng 500 căn nhà dân cư cho hộ nghèo biên giới, mở rộng các điểm dân cư liền kề đồn, Trạm Biên phòng, chốt dân quân biên giới cho ba huyện biên giới (gồm: Bù Gia Mập, Bù Đốp và huyện Lộc Ninh). Nhờ thực hiện các chính sách trên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 6,15% (năm 2016) xuống còn 0,43% (năm 2021); trong đó, số hộ nghèo tại 15 xã biên giới giảm từ 2.978 hộ (năm 2016) xuống còn 822 hộ (vào cuối năm 2021).
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng biên giới nói riêng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, cơ bản các ấp, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phấn đấu thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất. Số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; 99,2% số hộ có điện lưới và các nguồn điện khác. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Các chế độ, chính sách dành cho người dân tộc thiểu số được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến trường, hạn chế được tình trạng bỏ học giữa chừng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tình hình kinh tế - xã hội khu vực biên giới có nhiều chuyển biến tích cực; xuất nhập khẩu qua biên giới ngày càng tăng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh biên giới được chú trọng, tăng cường.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Tỉnh hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
PV