Mô hình sản xuất dứa VietGAP ở xã Bình An. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Xã Bình An, huyện Châu Thành là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn, trong khi cây dứa chịu được nồng độ phèn, mặn cao, nên địa phương chọn là cây trồng chủ lực giúp nông dân tăng thu nhập. Mô hình sản xuất dứa theo hướng VietGAP là cơ sở để bà con nông dân thực hiện sản xuất dứa an toàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế với thương hiệu dứa Tắc Cậu bấy lâu nay. Hiện toàn xã Bình An, huyện Châu Thành có hơn 1.000 hộ dân trồng dứa trên diện tích khoảng 1.260 ha. Riêng mô hình sản xuất dứa VietGAP thực hiện trên diện tích 70 ha, với 49 hộ tham gia. Tham gia mô hình sản xuất dứa VietGap, bà con nông dân sẽ được dự các khóa tập huấn, nắm bắt quy trình trồng đúng kỹ thuật và được hỗ trợ phân hữu cơ 200 kg/ha. Sau khi thực hiện theo đúng quy trình sản xuất VietGAP, năng suất dứa tăng từ 15 - 25%/ha, trọng lượng bình quân mỗi trái dứa cũng tăng, đạt khoảng 1,6 - 1,7 kg/trái, trong khi trước đây mỗi trái chỉ khoảng 1,2 kg. Giá bán theo đó cũng cao hơn trước từ 1.000 - 2.000 đồng/trái. Theo anh Lục Đức Long, cán bộ Tổ kinh tế kỹ thuật xã Bình An, huyện Châu Thành, ban đầu bà con tham gia trồng dứa VietGAP còn cảm thấy khó khăn, nhưng sau khi trải qua các lớp tập huấn, bà con đều đồng tình theo quy trình VietGAP. Việc sản xuất dứa VietGAP bước đầu đã thay đổi nhận thức của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tạo niềm tin về sản phẩm dứa an toàn, chất lượng đối với người tiêu dùng. Ông Hồ Văn Đảo, ngụ ấp An Lạc, xã Bình An, huyện Châu Thành cho biết, trước khi áp dụng VietGAP thu hoạch dứa 4.500 cây/ha/năm, đến nay sau một năm triển khai quy trình VietGAP, thu hoạch bình quân đạt 6.000 cây/ha/năm. Đặc biệt, trái dứa đẹp hơn trước, nên có giá cao. Người dân tham gia VietGAP đều rất phấn khởi với hiệu quả sản xuất của mô hình, giúp chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi lợi nhuận tăng, mang lại giá trị kinh tế cao. Gắn bó với nghề truyền thống trồng dứa trên 40 năm nay, ông Chiêm Văn Hái, ngụ tại ấp An Lạc, xã Bình An, huyện Châu Thành phấn khởi với lợi ích mang lại từ việc tham gia VietGAP. Theo ông Hái, nhờ mô hình VietGAP ông mới biết trồng dứa cũng cần có sổ sách ghi chép tỉ mỉ để theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, cũng như thời gian để bón phân và lượng phân bón, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài ra, khi chăm sóc dứa theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân hữu cơ, điều này làm cho đất thêm màu mỡ, lại giảm công chăm sóc rất nhiều. Từ nay đến 25 tháng Chạp âm lịch, bà con nông dân vùng chuyên canh trồng dứa xã Bình An, huyện Châu Thành sẽ bước vào mùa thu hoạch để phục vụ thị trường Tết Canh Tý. Việc trái dứa đã được chứng nhận chuẩn VietGAP giúp giá bán tăng lên đạt từ 7.000 - 8.500 đồng/trái tùy loại, có thời điểm từ 10.000 - 12.000 đồng/trái. Theo đó, lợi nhuận bình quân gần 50 triệu đồng/ha/năm. Ông Chiêm Văn Hái chia sẻ, nông dân trồng dứa rất vui và đang chuẩn bị cho một cái Tết ấm no với trái dứa VietGAP. Bà con mong muốn sẽ tiếp tục tham gia mô hình này để cây dứa ngày càng phát triển chất lượng, giúp ổn định cuộc sống gia đình. Theo ông Nguyễn Quốc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành, bà con trồng dứa cùng tham gia mô hình sản xuất theo hướng VietGAP giúp sản phẩm dứa có chất lượng đồng đều, đẹp mắt, giải quyết đầu ra đồng loạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường, sức khỏe cho bà con. Thực tế, quá trình triển khai mô hình sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP thời gian qua giúp từng bước thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân. Bởi khi tham gia mô hình, người trồng dứa phải nghiêm túc thực hiện các quy định sản xuất sạch theo quy trình VietGAP khép kín từ khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc đến khi thu hoạch… Việc tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất dứa VietGAP đối với các diện tích còn lại trên vùng chuyên canh dứa thuộc xã Bình An sẽ giúp thương hiệu dứa Tắc Cậu phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống người dân.
Hồng Đạt