Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho biết, năm 2016, Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu An Phước đã cung ứng đầu ra, bao tiêu cho bà con thực hiện mô hình trồng cây gai xanh với giá mua lá, thân cây là 1.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có thu nhập khoảng 80 - 110 triệu đồng/ha/năm. Anh Nguyễn Đình Hùng, đội 8, xã Cẩm Tú cho biết, trước đây anh đi làm thuê ở xa, năm 2016 anh Hùng nghe tin huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh. Anh quyết định về quê lập nghiệp, thông qua sự đấu mối của chính quyền địa phương, anh được Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu An Phước cung cấp giống trồng cây gai, phân bón, hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng 3 triệu.
Ngoài việc dùng vỏ cây gai xanh để làm nguyên liệu trong ngành may mặc, lá gai xanh còn được tận dụng để làm bánh gai và làm thức ăn gia súc... Ảnh: viramie.vn |
Cây gai xanh ưa khí hậu nóng ẩm, nếu trồng đúng kỹ thuật thì sau 75 ngày là có thể thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày, chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5m. Thông thường, vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhỉ, phân vi sinh. Anh Hùng và công ty ký hợp đồng 5 năm, anh được hỗ trợ trồng cây gai xanh trên diện tích 0,67 ha. Nhờ kiên trì chăm sóc nên các ruộng cây gai xanh đều phát triển tốt, mỗi năm anh thu hoạch được 4 vụ, mỗi vụ 2 tấn/sào, thu nhập bình quân khoảng 70 triệu/năm. Cũng là một người được hỗ trợ giống, phân bón để trồng cây gai xanh, anh Cao Văn Giọi, thôn Thái Sơn, xã Cẩm Tú cho biết, khi được Công ty cung cấp giống, anh trồng cây gai xanh trên diện tích 0,67 ha đất ven núi . Do chăm sóc tốt, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi nên toàn bộ diện tích trồng cây gai đều cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm anh thu hoạch 5 vụ, mỗi vụ 2,2 tấn/sào, tổng thu nhập khoảng 80 triệu/năm. Chị Nguyễn Thúy Hà, cán bộ nông vụ Công ty An Phước cho biết, người dân có diện tích đất 0,5 ha trở lên được công ty cho đứng tên hợp đồng trồng cây gai, tổng diện tích cây gai xanh mà công ty đã phối hợp với người dân trồng là 34 ha, tổng diện tích nhà máy sợi của công ty đang xây dựng là 4 ha. Những năm tiếp theo, công ty sẽ tập trung đầu tư trồng cây gai để làm vải sợi, sau đó xuất khẩu ra thị trường trong nước và nước ngoài. Trước hiệu quả kinh tế lớn khi trồng cây gai xanh, năm 2017, UBND huyện Cẩm Thủy đã tổ chức hội thảo mô hình trồng cây gai xanh làm cơ sở để nhân rộng mô hình. Huyện cũng tập trung rà soát, chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, năm 2018, huyện dự kiến trồng được 127 ha diện tích cây gai xanh. Huyện sẽ tập trung trồng gai trên các loại đất phù hợp theo quy hoạch gồm đất có độ dốc dưới 10 độ, đất trồng lúa, màu hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, huyện sẽ chỉ đạo nhân dân đổi điền, dồn thửa, cải tạo đồng ruộng để tạo vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chuyên canh. Huyện cũng phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch được phê duyệt gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích. Huyện Cẩm Thủy cũng duy trì mối liên kết chặt chẽ, bền vững lâu dài giữa với nhà máy sợi, người dân trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.
Nguyễn Nam