Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa giống cây atiso đỏ vào trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả, cho thu nhập cao; mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con nông dân từ loại cây dược liệu này, nhất là tại các vùng gò đồi.
Từ năm 2018, gia đình bà Lê Thị Thẻo, trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lạc kém hiệu quả sang trồng cây atiso đỏ. Nhận thấy loại cây này phát triển phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đến nay gia đình bà Thẻo đã phát triển diện tích cây atiso đỏ lên 2 ha.
Bà Lê Thị Thẻo cho biết, cây atiso đỏ dễ trồng và ít công chăm sóc, không tốn kém phân bón nhưng cho hiệu quả kinh tế cao và trung bình cho thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/sào (500m2).
Ông Lê Văn Thạch là người tiên phong đưa cây atiso đỏ trồng thử nghiệm trên đất Phong An, huyện Phong Điền vào năm 2015. Cây phát triển tốt, cho năng suất cao và đầu ra ổn định, nên từ 5 sào atiso đỏ trồng thử, đến nay ông Thạch mở rộng diện tích 3 ha.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, từ năm 2018, Lê Văn Thạch đã ứng dụng trồng cây atiso đỏ theo hướng an toàn VietGAP, mang lại hiệu quả cao. Mỗi sào atiso đỏ trồng trong vòng 6 tháng cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/vụ, cao từ 2-3 lần so với cây lạc.
Nhận thấy cây atiso đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Thạch đã chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho nhiều hộ nông dân và đứng ra thu mua sản phẩm, để nhân rộng mô hình. Hiện ông Thạch đã liên kết với khoảng 100 hộ dân trên địa bàn xã Phong An để hình thành vùng nguyên liệu. Đồng thời, đầu tư cơ sở sản xuất chế biến và bao tiêu toàn sản phẩm của bà con nông dân trên địa bàn. Sản phẩm atiso đỏ của cơ sở sản xuất của ông Lê Văn Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền.
Ông Lê Văn Thạch cho biết, cây atiso đỏ cần ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc, sau 3 tháng gieo trồng cây bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm gia đình ông sản xuất được 2 vụ. Sản lượng bình quân đạt 1 tấn/sào/vụ và sau khi trừ các chi phí mỗi sào lãi khoảng từ 7 - 8 triệu đồng. Đặc biệt, cây atiso phát triển tốt trên cả những diện tích đất sỏi sát, khô cằn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho cơ sở sản xuất, đầu vụ gia đình ông sẽ hỗ trợ nguồn giống và vật tư nông nghiệp cho những hộ cần, sau đó ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hoa atiso sau khi thu hoạch được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: sấy khô, trà túi lọc, nước cốt, nước mật, mứt và rượu atiso. Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đầu ra của sản phẩm rất ổn định.
Ông Nguyễn Bá Ngọc Quốc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong An, huyện Phong Điền cho hay, hiện nay, xã Phong An đã vận động bà con nông dân quy hoạch vùng trồng atiso đỏ với diện tích hơn 20 ha. Để phát triển cây atiso bền vững, Hội Nông dân đã tham mưu cho Đảng ủy và hội cấp trên có những chính sách hỗ trợ cho hội viên như phân bón, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và xúc tiến thành lập hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cây atiso đỏ phù hợp, thích nghi với khí hậu, đất đai ở các xã vùng gò đồi Phong Điền và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng truyền thống như sắn, lạc trước đây; mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nhất là tại các vùng đất khô hạn, kém hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện Phong Điền có khoảng 40 ha trồng cây atiso đỏ; tập trung tại các xã Phong An, Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Hòa, Phong Bình.
Theo ông Trương Diên Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, atiso đỏ là cây trồng mang lại thu nhập cao, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phong Điền sẽ vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả chuyển qua trồng cây atiso đỏ để nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây atiso đỏ. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế triển khai dự án nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất cây atiso đỏ theo hướng công nghệ sạch tại huyện Phong Điền, sau đó chuyển giao nhân rộng địa phương khác.
Mục tiêu của dự án hướng đến hoàn thiện quy trình sản xuất giống atiso đỏ; xây dựng thành công mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm atiso đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP, giúp sản phẩm từ cây atiso đỏ đến với thị trường lớn, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Tường Vi