Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Khuất Thế Anh - TTXVN |
Triển lãm trưng bày khoảng 120 hiện vật phản ánh sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc S’Tiêng qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể như: Nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học dân gian, lễ hội và tín ngưỡng dân gian...
Tại triển lãm còn có nhiều nhóm hiện vật tiêu biểu của đồng bào dân tộc S’Tiêng được trưng bày, gồm: Nhóm dụng cụ lao động sản xuất (rìu, liềm gặt lúa, thoi tra hạt, gàu tát nước, bộ chày cối); nhóm dụng cụ săn bắt (que xăm lươn, dụng cụ bắt mối, cần câu); nhóm hiện vật về ẩm thực; nhóm hiện vật trang sức; nhóm hiện vật về nghề thủ công truyền thống (bộ khung dệt, dụng cụ ép bông, dụng cụ quay sợi; các loại khăn, túi thổ cẩm được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết tinh xảo như hình quả trám, hình học, hình cỏ cây, hoa, lá); nhóm các loại nhạc cụ (trống, đàn đinh-pút, khèn bầu, sáo ta lét, tù và).
Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày bộ goong, chinh, goong xơn gănt hay còn gọi là cồng, chiêng. Đây không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà còn là tài sản vô giá, văn hóa tiêu biểu của người S’ Tiêng sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. Goong, chinh được người S’Tiêng lưu giữ, sáng tạo trong suốt quá trình lao động sản xuất, được kế thừa qua nhiều thế hệ.
Trước khi mang goong, chinh ra biểu diễn trong các dịp nghỉ lễ, lễ hội, người S’ Tiêng phải làm lễ cúng Thần, lễ vật cúng thường có gồm có gà, cơm ống (Spiêng prong), rượu cần… Goong, chinh của người S’Tiêng gồm có hai loại: Goong (cồng) có 5 loại có độ lớn khác nhau, mặt có núm, cái lớn nhất có kích thước khoảng 58 đến 62 cm chủ yếu phổ biến ở nhóm người Bu Đel, chinh (chiêng) phổ biến ở nhóm người S’ Tiêng Bù Lơ gồm có 6 cái, cái lớn nhất có kích thước 42 đến 46 cm và nhỏ nhất có kích thước 26cm.
Theo ban tổ chức, không gian văn hóa goong, chinh của người S’Tiêng là một trong những hiện tượng văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. Goong, chinh của người S’ Tiêng đã và đang góp phần quan trọng cho văn hóa âm nhạc Việt Nam những sắc thái đa dạng, phong phú, mới mẻ.
Với lịch sử hình thành phát triển lâu đời, người S’Tiêng ở Đông Nam Bộ nói chung, Bình Phước nói riêng có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của cư dân sinh sống ở vùng Trường sơn - Nam Tây nguyên. Người S’Tiêng là một trong những cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia. Ở Việt Nam, người S’Tiêng sinh sống ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Bình Phước là địa phương có cộng đồng người S’Tiêng sinh sống đông nhất với gần 100.000 người.
Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, cộng đồng người S’Tiêng ở Bình Phước vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng.
Thế Anh