Trên 222.600 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Kiên Giang

Trên 222.600 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Kiên Giang

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tổng vốn huy động toàn xã hội trong 5 năm 2016 - 2020 đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khoảng 222.666 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 6,1%/năm, chiếm 52,1% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn); trong đó, ngân sách nhà nước 11,37%, vốn đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh 75,39%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 0,87% và các nguồn vốn hợp lệ khác.

Trên 222.600 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Kiên Giang ảnh 1 Thi công tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đoạn qua địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Từ nguồn vốn này, tỉnh triển khai từng phần các công trình trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể là các dự án giao thông như đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường Rạch Giá - Hòn Đất, đường Rạch Giá - Châu Thành, đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc đảo Phú Quốc, đường Bến Nhứt - Giồng Riềng; Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; Cảng hành khách Rạch Giá; xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 200 km đường tỉnh, huyện, thành phố và hạ tầng du lịch, hơn 6.350 km lộ giao thông nông thôn.

Tiếp đến, tỉnh đầu tư hoàn thành phát triển lưới điện vùng lõm cho các huyện tiếp giáp biển, một phần cho dự án cấp điện vùng đồng bào dân tộc Khmer, gồm: Giồng Riềng, Hòn Đất, Gò Quao, An Biên, An Minh, Kiên Hải. Tỉnh cũng hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải), Hòn Nghệ và Sơn Hải (huyện Kiên Lương), Tiên Hải (thành phố Hà Tiên), Hòn Thơm (Phú Quốc)… đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng điện toàn tỉnh hiện nay đạt 99,5%.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, với hệ thống 117 cống trên đê được xây dựng, hơn 600 công trình thủy lợi nội đồng được cải tạo, nâng cấp và xây dựng 1.252 trạm bơm, trên 2.000 km kên mương kiên cố hóa, nạo vét.

Hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn thành đáp ứng nhu cầu trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống thoát lũ, dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu đáp ứng tưới tiêu, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa/năm ổn định, có nơi đảm bảo sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư đưa vào khai thác nhiều cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, mạng lưới đô thị của tỉnh được mở rộng, đầu tư phát triển và định hình rõ nét, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 này đạt 29,4%. Đến nay, Kiên Giang đã phát triển được 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V.

Cơ sở hạ tầng đô thị đang tập trung đầu tư xây dựng ngày càng tiên tiến, hiện đại. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống dân sinh, là cơ sở quan trọng, vững chắc để tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Các đô thị được nâng cấp, mở rộng, đầu tư phát triển, đặc biệt là diện mạo đô thị huyện đảo Phú Quốc khởi sắc vượt trội và đang tiến trình trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước.

Các cấp, ngành đã chủ động, tích cực trong khai thác các nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển trên từng lĩnh vực hiệu quả, nhất là chú trọng lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, nước sạch sinh hoạt. Nhờ vậy, đã phát huy được tiềm năng, khai thác thế mạnh của từng vùng kinh tế, cải thiện và nâng lên đời sống nhân dân, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, giai đoàn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tính khoảng 267.128 tỷ đồng, chiếm gần 40% GRDP của tỉnh. Theo đó, tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh chú trọng phát triển hệ thống giao thông trọng điểm, công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển đô thị và đô thị thông minh, cấp điện, viễn thông, xử lý các vấn đề môi trường, kết cấu hạ tầng các vùng du lịch trọng điểm, xây dựng nông thôn mới, công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng cụm, khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng cho giáo dục, y tế, môi trường…

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm