Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa ổn định; từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên triển khai trên địa bàn được hơn một năm.
Anh Hờ Vin Y Nuôi (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) có 2.000 m2 đất trồng lúa nước tại cánh đồng trên địa bàn xã nhưng thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Đầu năm 2023, anh Nuôi được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên cho vay vốn 30 triệu đồng với lãi suất chỉ 3%/năm theo chương trình của Nghị định 28/2022/NĐ-CP.
Với số tiền này, anh Nuôi thuê máy cày san ủi, cày xới đất làm ruộng và mua phân bón trồng lúa trong vụ Hè Thu vừa qua. Cuối vụ, lúa cho năng suất cao nên gia đình anh Nuôi không sợ thiếu đói trong thời gian 5 tháng tới. Ngoài ra, anh Nuôi còn dùng tiền vay vốn để mua thêm lợn, gà để chăn thả trong vườn nhà, giúp cho hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống.
Không riêng hộ gia đình anh Hờ Vin Y Nuôi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng vừa thực hiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP để mở rộng quy mô phát triển nhiều loại hình kinh tế, giúp thu nhập ổn định, từ đó xóa đói giảm nghèo bền vững.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên, thuận lợi nhất của chương trình cho vay theo Nghị định 28 là lãi suất chỉ 3%/năm và mỗi hộ có thể tích hợp vay cùng lúc để xóa nhà tạm, chăn nuôi hoặc chuyển đổi nghề. Ngân hàng còn linh động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh huy động thêm nguồn quỹ Vì người nghèo để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để xây dựng nhà ở theo phương châm "3 cứng" là: nền cứng, tường cứng và mái cứng.
Hộ gia đình anh Sô Minh Hoàng (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) trước đây không có chỗ ở ổn định, kinh tế khó khăn. Vào năm 2017, anh được vay 25 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm và đã hoàn thành trả nợ. Vừa qua, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân tiếp tục giải ngân 60 triệu đồng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP. Có số tiền này, anh Hoàng tiến hành sửa chữa nhà ở kiên cố và đầu tư trồng mía, sắn, keo và chăn nuôi bò. Đến nay, kinh tế gia đình phát triển ổn định, anh Hoàng đang dần trả được nợ và vươn lên thành hộ khá giả.
Ngoài hộ anh Sô Minh Hoàng, tại huyện Đông Xuân còn nhiều hộ dân khác đã được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28 của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển sản xuất, như chị KPá Thị Ẩn (xã Phú Mỡ) thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, chưa có nhà ở và việc làm ổn định. Đầu tháng 7/2023, chị Ẩn được hỗ trợ vay 40 triệu đồng. Từ số tiền này, chị không những sửa chữa nhà ở ổn định mà có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất từ việc trồng cây keo, từ đó ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân cho biết, để nhiều người được tiếp cận nguồn vốn vay của Nghị định 28/2022/NĐ-CP, phòng giao dịch đã tích cực tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc giải ngân cũng thực hiện đúng đối tượng nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, chương trình đề ra, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho phòng giao dịch các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về quy định, quy trình cho vay để người dân hiểu, tham gia.
Tại Phú Yên, sau một năm thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân gần 40 tỷ đồng cho hơn 670 hộ vay. Qua theo dõi cho thấy, các hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, một số mô hình kinh tế tiêu biểu được nhân rộng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xây dựng nhà ở ổn định. Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tường Quân