Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lâu nay nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cói. Các sản phẩm từ cói của nhiều làng nghề trên địa bàn không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu với số lượng lớn. Một trong những cơ sở sản xuất uy tín, góp phần tạo nên thương hiệu cói Kim Sơn chính là Công ty Vina Handicrafts mà chị Trần Thùy Nhi, Phó Giám đốc công ty đóng vai trò quyết định đến những thành công của công ty. Công ty Vina Handicrafts có trụ sở tại xóm 12, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn còn được bạn hàng xa gần biết đến với thương hiệu thuần văn hóa phương Đông, mang tên Cói Việt.
Chị Trần Thùy Nhi, sinh năm 1989 tại miền quê có nghề truyền thống mỹ nghệ lâu đời. Từ khi sinh ra đã được ngửi mùi cói, lớn lên được tiếp xúc với cói nhưng Thùy Nhi lại có ước mơ trở thành người giáo viên. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, năm 2012 Thùy Nhi về công tác tại Trường Tiểu học Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, dạy môn nhạc kiêm Tổng phụ trách của trường. Là giáo viên dạy nhạc, thường xuyên được tiếp xúc với những nét văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền, Thùy Nhi luôn trăn trở, nghĩ đến việc tạo nên những sản phẩm cói truyền thống của quê hương theo hướng mới, độc đáo, sáng tạo. Gia đình Trần Thùy Nhi luôn ấp ủ tạo nên một cơ sở sản xuất các sản phẩm từ cói độc đáo, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống làng nghề theo hướng đi hoàn toàn mới.
Nối tiếp truyền thống gia đình, 2 vợ chồng chị mạnh dạn thành lập công ty năm 2015 với công việc ban đầu là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Nhận thấy công việc này nếu cứ đi theo lối mòn sẽ giống như những cơ sở sản xuất khác, rất khó cạnh tranh. Vì thế năm 2018, công ty quyết định chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tập trung vào việc nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm mới mang tính độc quyền. "Trên nền tảng được tạo dựng từ nghề truyền thống quê hương, chúng tôi xác định phải sản xuất các mặt hàng độc, lạ, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng" - chị Nhi bộc bạch.
Với cách đi riêng, năm 2019 Công ty Cói Việt đã đầu tư nhà xưởng khép kín, hiện đại trên diện tích gần 4.000 m2 tại xóm 12, xã Quang Thiện. Từ việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào, thiết kế mẫu mã, sản xuất thủ công, hấp sấy... đều được thực hiện khép kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát chặt chẽ, được khách hàng tin tưởng.
Mặc dù là cơ sở sản xuất sinh sau đẻ muộn so với nhiều cơ sở trên địa bàn, nhưng do tìm được hướng đi riêng, tập trung vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, xuất khẩu, các sản phẩm trang trí nội thất nên lượng khách hàng hợp tác với Công ty Cói Việt ngày càng nhiều hơn. "Xác định hướng đi của công ty là tạo ra các sản phẩm độc đáo, nên việc sáng tạo ra các mẫu mã mới là yếu tố sống còn, quyết định rất nhiều đến việc tồn tại và phát triển của công ty. Do đó tôi thường xuyên cập nhật những xu hướng thời trang mới của thế giới cũng như các phong cách trang trí nội thất mới để kịp thời cho ra đời những sản phẩm phù hợp. Hiện thế mạnh của công ty là sản xuất các mặt hàng thời trang, trang trí nội thất như túi cói, túi lục bình, mũ, giỏ xách, khung gương, khung ảnh, bàn, ghế lục bình..." - chị Nhi cho biết.
Với nhiều năm sản xuất, kinh doanh theo hướng đi mới, Công ty Cói Việt đã chinh phục và trở thành bạn hàng tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ả Rập... Hiện công ty luôn duy trì sản xuất từ 30 - 40 nghìn sản phẩm/tháng, chủ yếu phục vụ thị trường ngoài nước. Có đơn hàng liên tục, Công ty Cói Việt đã tạo công việc ổn định cho trên 40 lao động làm việc trực tiếp tại xưởng. Mặt khác, thông qua hàng chục đại lý ký kết hợp đồng, thu mua sản phẩm, có trên 600 lao động trong và ngoài xã sản xuất gia công cho công ty với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành công trong việc khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, Công ty Cói Việt đã được nhiêu cấp, ngành ghi nhận như UBND tỉnh Ninh Bình chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh năm 2021; Giải A cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2021...
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, Công ty Cói Việt là một doanh nghiệp trẻ luôn tìm tòi, sáng tạo những nguồn nguyên liệu, thiết kế những sản phẩm mới, quảng bá ra thị trường trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, doanh nghiệp tập trung cho xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các khu vực, được đánh giá là các thị trường khó tính. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu của doanh nghiệp cũng như của địa phương.
Đức Phương