Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nữ chiến sỹ Biên phòng “giỏi việc quân - đảm việc nhà”

Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Châu Như, Bác sỹ điều trị Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Châu Như, Bác sỹ điều trị Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN

Trong lực lượng bộ đội biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, các nữ cán bộ, chiến sỹ biên phòng chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng bằng sự nỗ lực của mình, những “bóng hồng” mang quân hàm xanh đã luôn hoàn tốt nhiệm vụ của mình, vừa “giỏi việc quân” vừa “đảm việc nhà”, góp phần cùng những đồng đội nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, lan tỏa hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ biên phòng trong lòng người dân thành phố.

Không quản ngại khó khăn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân nhân khi có anh em ruột đều là bộ đội, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Châu Như, nhân viên Quân y, Bác sỹ điều trị Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 30 năm gắn bó với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh. Dù công việc đôi lúc gặp nhiều khó khăn, áp lực nhưng Trung tá Hồ Thị Châu Như luôn giữ vững nhiệt huyết, chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, phát huy năng lực, kinh nghiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Trung tá Hồ Thị Châu Như tình nguyện cùng đồng đội xung kích tham gia tuyến đầu chống dịch, bởi theo chị đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ quân y nói riêng.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nữ chiến sỹ Biên phòng “giỏi việc quân - đảm việc nhà” ảnh 1Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Châu Như, Bác sỹ điều trị Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN

Trung tá Hồ Thị Châu Như nhớ lại, trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cùng với tất cả cán bộ, chiến sỹ biên phòng Thành phố, chị cùng với đồng đội luôn sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu, những người đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, cửa khẩu cảng của Thành phố, vừa tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Thành phố trong những ngày chống dịch.

Dù công việc vất vả, thường xuyên đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhưng Trung tá Hồ Thị Châu Như luôn nỗ lực nghiên cứu, lên phương án phòng dịch, tham mưu lãnh đạo Ban chỉ huy để chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện phòng dịch cho các cán bộ, chiến sỹ, dự trữ các loại thuốc trong điều kiện cho phép để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

“Thời gian gắn bó trong quân ngũ, niềm vui đối với tôi đơn giản là được góp phần nào công sức của mình chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ biên phòng, đảm bảo quân số biên phòng luôn khỏe mạnh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị”, Trung tá Hồ Thị Châu Như chia sẻ.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nữ chiến sỹ Biên phòng “giỏi việc quân - đảm việc nhà” ảnh 2Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Châu Như, Bác sỹ điều trị Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN

Đảm đương vai trò là chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh trong 11 năm qua, Trung tá Hồ Thị Châu Như nhận thấy chị em trong quân đội ít có điều kiện giao lưu, học hỏi nên đều tạo điều kiện để chị em nâng cao trình độ chuyên môn, tham mưu Bộ chỉ huy cho chị em học tập nâng cao trình độ. Đến nay, đa số chị em đều đã đạt đến trình độ đại học, trên đại học, đồng thời tập huấn, đào tạo kỹ năng tin học, công nghệ giúp chị em tự tin, phát triển hơn trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao.

Cũng có hoàn cảnh gia đình quân nhân như chị Châu Như, Trung úy Chu Thị Thu Hiền, Trợ lý Tổng hợp, Ban Tham mưu, Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh phải đảm đương cùng lúc nhiều công việc như nhận, chuyển công văn đi và đến; thẩm định, đóng dấu, lưu trữ, bảo mật các loại công văn, tài liệu; soạn thảo tổng hợp số liệu, tình hình hoạt động hàng ngày, hàng tuần của Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố. Mỗi năm, chị tiếp nhận, luân chuyển, lưu trữ hàng trăm công văn, tài liệu phục vụ các hoạt động của đơn vị.

Trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh COVID-19, vì đặc thù là gia đình quân nhân, Trung úy Chu Thị Thu Hiền phải đưa cả hai con nhỏ vào đơn vị để tiện bề vừa chăm sóc, vừa công tác. Trong gia đình, Trung úy Chu Thị Thu Hiền còn là người vợ đảm đang, giỏi việc nhà. Từ khi lấy nhau, mọi công việc trong nhà, nhất là việc chăm sóc các con đều một tay chị quán xuyến. Do đặc thù hai vợ chồng cùng là quân nhân nên chị Hiền hiểu và cảm thông hơn với công việc chồng. Với chị, niềm hạnh phúc nhỏ bé đôi khi là được thấy mọi người trong gia đình khoẻ mạnh, các con chăm ngoan, học giỏi.

Chia sẻ về công tác chuyên môn, Trung úy Chu Thị Thu Hiền cho biết, công việc hàng ngày của chị là tổng hợp thông tin, tình hình hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng cảng. Viết báo cáo tổng hợp số liệu, tình hình để tham mưu cho Ban Chỉ huy có được cái nhìn chính xác, trung thực trong công tác biên phòng tại từng đơn vị để đưa ra những quyết định giải quyết các vấn đề.

Do công việc đòi hỏi tính chính xác, đảm bảo đúng nghiệp vụ, Trung úy Chu Thị Thu Hiền luôn tận tụy với công việc, chủ động nghiên cứu tài liệu và học hỏi những kinh nghiệm cần thiết để nâng cao trình độ, với mục đích ngày càng hoàn thiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho chức trách, nhiệm vụ mà mình đang đảm nhiệm.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nữ chiến sỹ Biên phòng “giỏi việc quân - đảm việc nhà” ảnh 3Trung úy Chu Thị Thu Hiền, Trợ lý Tổng hợp, Ban Tham mưu, Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đảm đang chu toàn việc gia đình. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN

Mặc dù bận rộn với công tác chuyên môn nhưng Trung úy Chu Thị Thu Hiền luôn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động phong trào mang tính tập thể mà cơ quan, chi đoàn, Hội phụ nữ phát động.Trong niên hạn 2019-2022, chị đã được đoạt nhiều danh hiệu và khen thưởng như Chiến sỹ tiên tiến 2019, chiến sỹ tiên tiến 2021, được Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tặng giấy khen “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu” năm 2021, tham gia quay MV “Lời ca dâng Đảng” đạt giải A của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng năm 2021. Đặc biệt, tháng 6/2021, Trung úy Chu Thị Thu Hiền là một trong những chiến sỹ biên phòng Thành phố có được vinh dự kết nạp Đảng ngay trong những ngày cả Thành phố căng mình chống dịch COVID-19.

Hết lòng vì đồng đội

Thiếu tá Quân nhân Chuyên nghiệp Ngô Thị Huệ, kỹ thuật viên nấu ăn thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ chuẩn bị, chế biến đồ ăn, phân chia cơm… tham mưu, góp ý với tổ trưởng về vấn đề lên thực đơn bữa ăn cho bộ đội, chiến sỹ. Với công việc đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ, chịu khó và tinh thần trách nhiệm, dù ngày nắng hay mưa, chị vẫn âm thầm, lặng lẽ đi sớm về muộn để đảm bảo bữa ăn cho các chiến sỹ.

Chị Ngô Thị Huệ cho biết, trong chế biến món ăn, chị luôn cẩn trọng với từng khâu, từng nhóm thức ăn, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Để món ăn vừa ngon, vừa đẹp mắt, chị thường xuyên mày mò, học hỏi qua sách báo, mạng Internet để cải tiến cách chế biến, trình bày các món ăn sao cho hấp dẫn. Bên cạnh đó, chị cũng chú trọng chế biến các món ăn phù hợp theo mùa, trong mỗi bữa ăn bảo đảm ít nhất 6 món nhằm cân đối giữa các chất, để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, suất ăn .

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy nhận lệnh “cấm trại” hoàn toàn. Hơn một trăm ngày chống dịch ấy, công việc hàng ngày của chị Huệ bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ, nhưng cũng có những hôm ngày làm việc của chị kéo dài đến tận đêm khuya để tiếp nhận nguồn cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Để đảm bảo bữa ăn cho bộ đội đủ chất dinh dưỡng, chị Huệ luôn nắm chắc tiêu chuẩn, định lượng, lượng calo cần thiết theo quy định. Từ đó, lên thực đơn cụ thể cho mỗi bữa ăn để các món ăn không bị lặp lại, gây nhàm chán cho bộ đội, nhất là lựa chọn những thực phẩm ở địa phương, nguồn gốc rõ ràng, vừa có giá cả hợp lý, vừa sạch sẽ, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe cho bộ đội.

Trải qua hơn 20 năm công tác, chị thường xuyên chăm lo chu toàn “cơm dẻo, canh ngọt” cho bộ đội. Với chị, anh em trong đơn vị như người thân trong gia đình nên cần chu toàn, bảo đảm bữa ăn cho mọi người thật chu đáo “cơm chín, nước sôi”. Nhìn cán bộ, chiến sỹ ăn ngon miệng, ăn hết khẩu phần, bao nhọc nhằn, vất vả nơi chị Huệ cũng vơi đi.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nữ chiến sỹ Biên phòng “giỏi việc quân - đảm việc nhà” ảnh 4Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thị Huệ, kỹ thuật viên nấu ăn thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luôn hoàn thành nhiệm vụ "chị nuôi", góp phần đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN

Với cương vị “chị nuôi”, góp phần chăm sóc sức khỏe bộ đội, chị luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đồng đội để nâng cao chất lượng từng bữa ăn, hướng đến sức khoẻ cho bộ đội thật tốt, góp phần giúp các chiến sỹ mạnh khỏe, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

“Trong chế biến món ăn, tôi luôn cẩn trọng với từng khâu, từng nhóm thức ăn, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Để món ăn vừa ngon, vừa đẹp mắt, tôi thường xuyên mày mò, học hỏi qua sách báo, mạng Internet để cải tiến cách chế biến, trình bày các món ăn sao cho hấp dẫn. Tôi cũng chú trọng chế biến các món ăn phù hợp theo mùa, trong mỗi bữa ăn bảo đảm ít nhất 6 món nhằm cân đối giữa các chất, để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, mức ăn của bộ đội ổn định. Hằng ngày, sau mỗi bữa ăn, tôi thường gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ về món ăn do mình làm có bảo đảm, phù hợp không và đặc biệt là lắng nghe những ý kiến góp ý, từ đó rút kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn”, Thiếu tá Ngô Thị Huệ bộc bạch.

Ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của những nữ chiến sỹ bộ đội biên phòng Thành phố, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ làm tốt công việc chuyên môn tại đơn vị, tham gia tích cực các hoạt động của Hội phụ nữ, các chị em Bộ đội Biên phòng Thành phố còn làm tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình. Rất nhiều người có chồng cùng trong quân ngũ, nhưng chị em bộ đội Biên phòng Thành phố đều đã nỗ lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống gia đình quân nhân, thu xếp ổn thỏa thời gian để vừa đảm đang việc nhà và chu toàn việc quân để trở thành hậu phương vững chắc giúp chồng hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể nói, các nữ quân nhân trong lực lượng biên phòng Thành phố đã phát huy truyền thống, đoàn kết thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao phó, góp phần tích cực vào phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh và phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Dù mỗi người một nhiệm vụ, nhưng dù ở vị trí công tác nào, các nữ quân nhân cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Trung tá Hồ Thị Châu Như, Thiếu tá Ngô Thị Huệ, Trung úy Chu Thị Thu Hiền… là những tấm gương điển hình, thể hiện phẩm chất cao đẹp của những nữ bộ đội Biên phòng Thành phố đã và đang phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới. Các chị xứng đáng là những bông hoa đẹp giữa đời thường góp phần xây dựng hình ảnh phụ nữ quân đội luôn “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Thu Hương – Xuân Khu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm