Xây dựng sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là phương châm khởi nghiệp được hai phụ nữ ở Cần Thơ hướng đến và đã thành công. Đó là chị Đoàn Thị Hồng Thắm (quận Ninh Kiều) - người đã áp dụng công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm dược trà tốt cho sức khỏe người dùng và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quận Ô Môn) - người phụ nữ kiên trì cải thiện quy trình sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm giá đỗ sạch cung cấp cho khách hàng.
* Khởi nghiệp từ giá đỗ
10 năm trước, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung nối gót nghề làm giá đỗ của mẹ nhưng khi ấy mới sản xuất theo phương pháp ủ giá trong lu. Áp dụng cách làm truyền thống đem lại hiệu quả và lợi nhuận không cao nên khoảng năm 2017, chị Nhung nghĩ ra ý tưởng đưa công nghệ vào việc sản xuất giá đỗ.
Thay vì trồng trong lu, như cách làm truyền thống lâu nay, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Phước Thới, quận Ô Môn) trồng giá đỗ trong bồn nhựa, bật điều hòa, phun sương làm mát. Cách làm này giúp mô hình khởi nghiệp trồng giá sạch của chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.Chia sẻ về lý do khởi nghiệp với giá đỗ, chị Nhung cho biết, sản xuất giá theo kiểu truyền thống mất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều diện tích, công chăm sóc lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dễ ảnh hưởng đến chất lượng của giá thành phẩm. Hơn nữa làm theo kiểu truyền thống sản lượng giá không cao.
Từ những trăn trở đó, chị Nhung đã lên mạng tra cứu, tìm hiểu về các mô hình hình làm giá đỗ theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Theo phương pháp này, 15kg đậu hạt có thể thu hoạch được khoảng 150kg giá đỗ chỉ trong 4 ngày ngâm bồn, tiết kiệm được nhân công và rút ngắn thời gian sản xuất…
Để trồng giá trong bồn đạt hiệu quả, chị Nhung xây nhà xưởng gắn vòi nước, điều hòa, hệ thống phun sương. Chia sẻ về lý do trồng giá trong máy lạnh, chị Nhung giải thích: “Do công suất bồn hoạt động khoảng 1.000W tỏa nhiệt nhiều nên tôi cần bật điều hòa 24/24h, nếu thời tiết quá nóng tôi phải bật thêm máy phun sương. Nhiệt độ thích hợp để giá đỗ phát triển là 25-27 độ C. Lúc đầu cũng có khó khăn lắm vì không biết quản lý nhiệt độ và lượng nước nên cũng thất thoát, tuy nhiên khoảng sau 6 tháng tôi đã vận hành trơn tru hệ thống”.
Hiện chị Nhung vẫn sản xuất song song vừa giá bồn vừa giá lu. Để sản xuất giá đạt hiệu quả, đậu (đỗ) được chọn là đậu đen, ngâm 3-4 tiếng. Nếu ủ trong lu chỉ khoảng 1,5kg đậu; còn ủ trong bồn thì 15kg đậu. Ủ đậu trong bồn bằng cách lót một lớp đậu thì trải 1 lớp đệm để đậu thông thoáng, mỗi ngày tưới nước 4 lần, cách 3-4 tiếng sau thì xả nước. Toàn bộ khâu tưới nước sử dụng hệ thống vòi hoa sen; mỗi bồn ủ đậu đều gắn van xả nước nên việc sản xuất giá rất nhẹ nhàng.
Theo chị Nhung, hiện cơ sở kinh doanh hai mặt hàng giá ướt và giá khô với giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Giá ướt được trồng trong bồn phân phối ở các chợ, hàng quán, còn giá khô được trồng trong lu, chủ yếu cung cấp cho chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở Cần Thơ. Ngoài ra, chị Nhung còn 4 chi nhánh sản xuất giá đỗ sạch khác ở Cần Thơ, Bình Dương và Cần Thơ.Từ chỗ áp dụng công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất giá mà mỗi ngày, cơ sở sản xuất giá đỗ của chị Hồng Nhung xuất ra thị trường khoảng 3 tấn giá thành phẩm. Nếu trừ chi phí thì mỗi năm chị Hồng Nhung thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng từ trồng giá đỗ.
Ngoài làm giàu cho bản thân, trong những năm qua cơ sở giá sạch Hồng Nhung đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 triệu đồng/người, hỗ trợ bảo hiểm y tế. Là nhân công tại xưởng, anh Võ Tuấn Anh chia sẻ, trước dịch COVID-19 anh làm công nhân ở Bình Dương, khi bùng dịch bệnh anh về quê tìm công việc khác xoay sở. "Trong hơn 2 tháng qua, tìm được công việc làm giá đỗ chỗ chị Nhung tôi mừng lắm. Công việc tại cơ sở không quá cực nhọc, mức lương 6 triệu đồng/tháng và làm gần nhà nữa nên tôi cũng có dư dả chút ít", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Mô hình sản xuất giá sạch của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung được đánh giá là hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe. Chị Nhung đang làm hồ sơ chứng nhận OCOP cho giá sạch, hướng đến phổ biến rộng rãi tại các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ở Cần Thơ và các tỉnh.
Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ, mô hình khởi nghiệp của chị Hồng Nhung được Hội liên hiệp phụ nữ Cần Thơ đánh giá cao khi tạo được sản phẩm giá sạch theo công nghệ mới, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chị Hồng Nhung luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật cho các chị em phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp trồng giá sạch.
* Bền bỉ phát huy tiềm năng dược liệu
Xây dựng thành công một thương hiệu, sản phẩm có giá trị cao, được người tiêu dùng đón nhận là mơ ước của nhiều người đang bước đi trên con đường khởi nghiệp. Tuy vậy, quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ người khởi nghiệp. Chị Đoàn Thị Hồng Thắm (quận Ninh Kiều) là tấm gương tiêu biểu về sự bền bỉ, nổ lực vươn lên để khởi nghiệp thành công với các sản phẩm dược trà.
Xuất thân là dược sĩ, đam mê với các loại thảo dược thiên nhiên, chị Hồng Thắm đã từ bỏ công việc của một dược sĩ với mức thu nhập cao để bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 40 với dược trà.
Theo chị Thắm, sở dĩ chị chọn khởi nghiệp từ dược trà là vì tính năng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe của một số loại dược liệu đã được biết đến nhiều. Tuy nhiên, so với việc làm thức ăn mỗi ngày thì làm nước uống được ưa chuộng hơn. Khác với loại trà pha nước bỏ bã, dược trà chế biến theo dạng bột hòa tan nên tận dụng được hết tính năng, bộ phận của cây dược liệu. Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng những năm gần đây cũng ưa chuộng dòng sản phẩm thuận tự nhiên tốt cho sức khỏe.
Mặc dù, sở hữu kiến thức về ngành dược cũng như am hiểu tính năng của cây dược liệu nhưng chị Thắm rất thận trọng khi bước vào con đường khởi nghiệp. Chị không ngừng tích lũy các kiến thức cần thiết cho quá trình khởi nghiệp như kinh tế học, quản trị kinh doanh, marketing…“Tôi đã chứng kiến một số trường hợp vì nóng vội nên kết cục khởi nghiệp không đẹp như ý muốn. Chuyện khởi nghiệp không phải nghĩ là làm mà cần có quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, có thể ‘chậm nhưng chắc’. Đến lúc thấy có độ ‘chín muồi’ trong tư duy thì tôi mới mạnh dạn triển khai ý tưởng. ‘Những đứa con tinh thần’ tôi đã ấp ủ từ thời còn là sinh viên, nhưng đến 40 tuổi mới quyết định hiện thực hóa ước mơ. Vì lúc này tôi mới thấy mình trang bị đủ trải nghiệm để có thể khởi nghiệp với niềm đam mê của mình”, chị Thắm chia sẻ.
Bước đầu khởi nghiệp có nhiều khó khăn, theo chị Thắm quan trọng là bản thân phải tìm cách thích ứng hiệu quả rồi dần vượt qua trở ngại. Quy trình sản xuất dược trà cần nhiều máy móc thiết bị hỗ trợ nhưng ban đầu khởi nghiệp không có đủ nguồn vốn để mua máy, chị Thắm phải ưu tiên mua những thiết bị bắt buộc có trong quy trình sản xuất. Công đoạn nào có thể làm thủ công thì sẽ làm thủ công trước, sau đó tích lũy dần và sẽ mua máy móc thay thế dần. Dù như thế sẽ tốn nhiều thời gian và công sức nhưng chị Thắm vẫn làm ra được sản phẩm để duy trì ý tưởng khởi nghiệp.
Một khó khăn nữa trong hành trình khởi nghiệp đó là không thể tuyển được nhân sự tốt, vì những nhân sự tốt họ sẽ chỉ tìm cơ hội ở các công ty, tập đoàn lớn. Một mình chị Thắm phụ trách tất cả mọi công đoạn sản xuất nên số lượng bán ra hạn chế. Mặt khác, sản phẩm còn khá lạ nên chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, với bản lĩnh, kinh nghiệm, sự quyết tâm của mình, chỉ trong thời gian ngắn chị Thắm đã khắc phục được nhiều khó khăn và tìm ra hướng đi hiệu quả.
Sau hơn 2 năm triển khai, cơ sở sản xuất dược trà của chị Thắm ngày càng ổn định, doanh thu trung bình 300 triệu đồng/tháng. Số lượng sản phẩm ngày càng phong phú đáp ứng nhiều nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho mọi người, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 (chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế).
Các loại dược trà nổi bật chị đã tạo ra gồm: trà gừng chanh sả, trà lạc tiên tâm sen, trà rau om tía, trà cà gai leo, trà đinh lăng, trà diếp cá, trà dây thìa canh, trà hoa cúc... Mỗi sản phẩm ra mắt chị Thắm đặt rất nhiều kỳ vọng vì đó không chỉ là đam mê mà còn mang ý nghĩa góp phần nâng tầm giá trị cây dược liệu.
Theo chị Thắm, việc khởi nghiệp ngoài mục tiêu làm giàu thì việc xác định giá trị mang lại cho xã hội có một ý nghĩa quan trọng, cụ thể như trường hợp của chị đó là mang lại những giá trị sức khỏe thông qua các sản phẩm dược trà. Ngoài ra, đó còn là việc tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, giá trị của các nông sản dược liệu. “Dân gian có câu ‘sáng rau, chiều rác’. Dược liệu tươi sau thu hoạch không sử dụng trong vài ngày sẽ bị hư hỏng, hao hụt. Nếu làm dược trà, thời gian bảo quản của nó có thể kéo dài đến 18 tháng”, chị Thắm chia sẻ.
Thông qua việc chế biến các sản phẩm trà, mỗi tháng chị Thắm thu mua hơn 2 tấn cây dược liệu các loại. Qua việc kết nối với một số hợp tác xã ở địa phương, có cả miền Trung và miền Bắc, chị Thắm góp phần giúp nhiều nông dân có đầu ra ổn định trong việc tiêu thụ nông sản sạch. Với hiểu quả về kinh tế và xã hội, dự án “Sản xuất dược trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của chị Thắm đã đoạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long 2021 vừa diễn ra cuối tháng 2/2022.
Hành trình khởi nghiệp của dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm không hề nhanh chóng hoặc đạt được thành công một cách đột biến, nổi bật. Tuy vậy, đó là một mô hình khởi nghiệp tiêu biểu cho sự bền bỉ và nỗ lực lâu dài thông qua quá trình xây dựng và hoàn thiện từ những điều nhỏ nhất. Sau gần 20 năm ấp ủ ý tưởng, một sản phẩm dược trà mới được ra lò, nhưng kết tinh trong đó là những “tiềm năng” mà người nữ dược sĩ cho rằng sẽ là bước đệm để xây dựng được một thương hiệu mang lại những giá trị tích cực cho xã hội.
Thời gian qua, phụ nữ trong thành phố Cần Thơ đã phát huy vai trò khi tham gia phát triển kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem hiệu quả, vừa làm giàu cho bản thân vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như mô hình giá đỗ sạch của cơ sở giá sạch Hồng Nhung; mô hình “len thỏ” của Lê Thanh Ái Nhi, quận Ninh Kiều, mô hình “Thực phẩm tí hon” Minitoy của chị Phạm Thùy Thanh Thảo,... Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp làm chủ đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào thực hiện chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm (OCOP).
Từ những mô hình khởi nghiệp thành công của chị em phụ nữ, bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian tới, Hội tăng cường phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố và các ngành chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tiếp tục khảo sát, nắm bắt các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ và hỗ trợ tư vấn thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể của phụ nữ; tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua ngày hội phụ nữ “sáng tạo khởi nghiệp”; hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo, phù hợp với tình hình, xu thế phát triển của địa phương theo hướng bền vững.
Khởi nghiệp thành công từ những sản phẩm gần gũi, bình dân là giá đỗ của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung và những sản phẩm dược trà từ các nguyên liệu thân thuộc, tốt cho sức khỏe của chị Đỗ Thị Hồng Thắm góp thêm động lực để phụ nữ Cần Thơ vượt lên "vỏ bọc an toàn", mạnh dạn hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp mới, vừa làm chủ kinh tế gia đình vừa làm giàu cho xã hội.
Thu Hiền - Trung Kiên