Tại tỉnh Lạng Sơn, một số huyện, thành phố trên địa bàn đã quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm như, du lịch sinh thái vườn na (huyện Chi Lăng), vườn dẻ, nho, dâu tây (thành phố Lạng Sơn), du lịch sinh thái cộng đồng suối Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú (huyện Bắc Sơn),… Những mô hình này đã và đang mang đến cho du khách trong, ngoài nước nhiều điều hấp dẫn, thú vị; góp phần tạo việc làm bền vững, tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa.
Không khí trong lành mát mẻ đặc trưng của vùng miền núi, phong cảnh hữu tình được thiên nhiên ban tặng cùng đường giao thông đi lại thuận tiện đang mang lại những lợi thế nhất định cho huyện Hữu Lũng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng sinh thái gắn với trải nghiệm. Những ngôi nhà, bản làng Homestay được hình thành, những tour tuyến du lịch trải nghiệm đặc sắc ở Hữu Lũng hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.
Cách trung tâm thị trấn Hữu Lũng chừng 50km, xã Yên Thịnh có diện tích đất tự nhiên 5.000ha với trên 1.000 hộ chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao. Trong 5 năm gần đây, Yên Thịnh nổi lên như một “địa chỉ đỏ” để nhiều khách du lịch nội tỉnh và ngoại tỉnh tìm đến vào những ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ Tết. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ của những dãy núi đá vôi dựng đứng, hồ nước xanh ngắt cùng nhiều hang động huyền ảo. Không những vậy, Yên Thịnh còn có nhiều trang trại cây ăn quả để du khách có thể trải nghiệm vẻ đẹp nông thôn miền núi…
Chị Nguyễn Trang Vân, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết, chị rất ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây cũng như mô hình du lịch trang trại. Một địa điểm chỉ cách Hà Nội chừng 120km và mất khoảng 2 tiếng di chuyển bằng xe ô tô mà khí hậu lại hoàn toàn khác biệt, người dân thân thiện để lại ấn tượng rất tốt đẹp. Chắc chắn Yên Thịnh sẽ đón thêm được nhiều du khách hơn nữa trong thời gian tới.
Chính từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành trong nước đã đến với Yên Thịnh để khảo sát và xây dựng các tour tuyến. Đặc biệt hơn, các đơn vị chuyên tổ chức dịch vụ leo núi trải nghiệm đã biết, tìm tới Yên Thịnh bởi những dãy núi đá dựng đứng đặc thù rất thích hợp với môn thể thao mạo hiểm này. Theo chính quyền địa phương, hiện toàn xã có 8 điểm leo núi với khoảng 120 đường leo núi được định hình; những điểm leo núi này được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế cho du khách muốn khám phá. Đây chính là đòn bẩy rất tốt để địa phương phát triển du lịch thể thao mà một số nơi khác chưa có.
Ông Phùng Văn Tùy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thịnh cho hay, được ngành Du lịch tỉnh quan tâm, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đã được tập huấn nâng cao kỹ năng làm dịch vụ. Đặc biệt, xã luôn tuyên truyền nhấn mạnh đến người dân việc cần thiết phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn có của dân tộc. Chính vì vậy, du lịch ở Yên Thịnh đã mang lại một số kết quả đáng mừng. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm nghỉ dưỡng…
Theo Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn, để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm, ngành Du lịch đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm lưu niệm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức chương trình khảo sát, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch phục vụ phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, tạo mã QR phục vụ quản lý và phát triển du lịch. Đồng thời, ngành xây dựng các chương trình tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng, đảm bảo hiệu quả bền vững…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để tạo ra các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm đặc sắc trong thời gian tới. Chương trình sẽ tập trung khai thác những giá trị du lịch nổi trội khác biệt, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Ngành Du lịch tiếp tục hoàn thiện Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào việc số hóa 3D cho 32 điểm du lịch trên địa bàn…
Thống kê từ Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho thấy, trong năm 2023, mảnh đất Xứ Lạng đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách trong nước đạt trên 3,8 triệu lượt, còn lại là khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần trên 3,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 4,8% GRDP toàn tỉnh.
Những sản phẩm du lịch mới lạ và phát triển du lịch nông nghiệp cộng đồng gắn với trải nghiệm dựa trên những lợi thế có sẵn được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới để Lạng Sơn thu hút được nhiều khách du lịch. Dù vậy, nhiều miền đất thôn quê có tiềm năng du lịch ở Lạng Sơn vẫn rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của các đơn vị du lịch để phát triển quảng bá, góp phần đưa cảnh sắc thiên nhiên miền núi Xứ Lạng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Quang Duy