Lạng Sơn quan tâm chăm sóc trẻ em ở vùng dân tộc

Một buổi học lớp ghép 2 + 3 + 4 tuổi của điểm trường Lũng Slàng thuộc Trường mầm non xã Tri Phương, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) với 10 học sinh đều là dân tộc Dao. Ảnh: TTXVN phát
Một buổi học lớp ghép 2 + 3 + 4 tuổi của điểm trường Lũng Slàng thuộc Trường mầm non xã Tri Phương, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) với 10 học sinh đều là dân tộc Dao. Ảnh: TTXVN phát

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng địa phương này luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện, môi trường tốt nhất để trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn, được phát triển toàn diện...

Lạng Sơn quan tâm chăm sóc trẻ em ở vùng dân tộc ảnh 1Một buổi học lớp ghép 2 + 3 + 4 tuổi của điểm trường Lũng Slàng thuộc Trường mầm non xã Tri Phương, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) với 10 học sinh đều là dân tộc Dao. Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 204.000 trẻ em, chiếm hơn 26% dân số. Những năm qua, việc thực hiện công tác bảo vệ và quyền trẻ em đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Các cấp, ngành và toàn xã hội đã nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Nhiều hoạt động thiết thực dành cho trẻ em đã được triển khai hiệu quả. Các huyện, thành phố đã rà soát, tổng hợp danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế để trẻ dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập theo quy định. Toàn tỉnh có trên 74.730 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 100%.

Tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Hiện nay, 100% trẻ em 6 tuổi trên địa bàn tỉnh được vào lớp 1; 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Các em được trải nghiệm sáng tạo với các hoạt động thực tế, góp phần rèn luyện kỹ năng sống. Trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật trong độ tuổi được đến trường, lớp học hoà nhập, được hưởng ưu đãi giáo dục theo quy định.

Để bảo vệ trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích; tổ chức tuyên truyền và tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước. Chính quyền các cấp phối hợp cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội chủ động phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Thư kêu gọi phát động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, huy động nguồn lực hỗ trợ, động viên trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa... Năm 2023 đã có 87 đơn vị, cá nhân trên địa bàn ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với tổng số tiền trên 330 triệu đồng…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp dù đã dành sự quan tâm lớn đối với trẻ em, song công tác bảo vệ chăm sóc trẻ ở một số xã, thị trấn còn hạn chế. Ngoài ra, điều kiện sống, cơ hội phát triển của trẻ em ở nông thôn so với trẻ em ở vùng thành phố còn có khoảng cách khá xa. Công tác vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp còn gặp nhiều khó khăn, mức đóng góp hạn chế. Việc huy động cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn gặp không ít khó khăn.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục chăm sóc, tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề của chính mình.

Cơ quan chức năng địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ, cha mẹ, người giám hộ, tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em.

Cơ quan chuyên môn phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, bảo đảm chất lượng thông tin về trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ từ cộng đồng dân cư và gia đình; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu về trẻ em với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Vũ Văn Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm