Doanh nghiệp kí kết hợp đồng mua bán nông sản. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương có nhiều sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các kì hội chợ, phiên chợ, hội nghị, hội thảo và các cuộc liên kết thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương còn hạn chế về khâu quảng bá nên thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức hội thảo kết nối cung- cầu các sản phẩm đặc trưng giữa Trà Vinh và các các tỉnh Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp doanh nghiệp tại Trà Vinh có cơ hội hợp tác giao thương, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tìm đầu ra cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giới thiệu nhiều sản phẩm nông, thủy sản chủ lực là thế mạnh của tỉnh. Trà Vinh hiện có gần 2.000 ha trồng cam sành cho sản lượng hơn 30.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu kè; 1.500 ha trồng lạc cho tổng sản lượng gần 29.000 tấn/năm, trồng chủ yếu ở huyện Cầu Ngang; hơn 300 ha trồng thanh long ruột đỏ tập trung ở huyện Càng Long và Châu Thành, cho sản lượng hơn 5.000 tấn trái/năm; 20.000 ha dừa cho sản lượng gần 150 triệu trái/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tiểu Cần…
Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm của Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Ngoài ra, tỉnh có hơn 250 ha nuôi cá lóc, cho tổng sản lượng hơn 26.000 tấn/năm, tập trung tại huyện Trà Cú; hơn 700 ha nuôi nghêu, cho tổng sản lượng 925 tấn/năm, tập trung ở huyện Duyên Hải và Châu Thành.
Tỉnh cũng có gần 16.000 ha nuôi cua biển, cho tổng sản lượng hơn 8.300 tấn/năm, được thả nuôi tại huyện Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành; gần 25.000 ha nuôi tôm, cho tổng sản lượng hơn 37.000 tấn/năm, tập trung tại huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú… Nhiều đại biểu cho rằng để các mặt hàng chủ lực của tỉnh Trà Vinh được tiêu thụ tại các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh cần quan tâm sản xuất sạch, hữu cơ; đầu tư xây dựng thương hiệu, mẫu mã, nhãn mác, thông tin truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tham gia liên kết để có đủ nguồn hàng cung ứng, đáp ứng được yêu cầu hợp đồng của khách hàng… Kết quả, tại hội thảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh kí kết 4 hợp đồng mua bán; trong đó, có 2 hợp đồng cung ứng rau, củ quả an toàn và 1 hợp đồng xuất khẩu gạo hữu cơ, 1 hợp đồng cung ứng nông sản hữu cơ và gạo hữu cơ.
Thanh Hòa