Trà Vinh hỗ trợ hộ chăn nuôi tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi thực hiện việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn vật nuôi, nhất là đối với hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ trong tỉnh.

Theo kế hoạch năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh sẽ thực hiện giám sát, hỗ trợ hộ chăn nuôi tiêm ngừa phòng bệnh cho khoảng hơn 3,15 triệu con gia cầm và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và các điểm mua bán, giết mổ gia cầm tập trung. Qua thực hiện trong quý I/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh đã cấp hơn 8.960 lít hóa chất đến các địa phương để thực hiện phun xịt tiêu độc khử trùng chuồng trại cho hơn 49.640 lượt hộ chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh qua tuyên truyền, giám sát đã thực hiện tiêm phòng được 808.098 con gia cầm, với hơn 1,03 triệu liều vaccine.

Bà Hà Mỹ Xuyên, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết, ngay từ đầu mùa khô năm 2024, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tổ chức giám sát hộ chăn nuôi gia cầm tái đàn mới để tuyên truyền vận động và hỗ trợ hộ chăn nuôi thực hiện việc tiêm phòng vaccine. Nhờ vậy, qua 3 tháng năm 2024, hộ chăn nuôi trong huyện đã tiêm phòng vaccine cúm gia cầm được trên 200.000 con. Dịch bệnh cúm gia cầm trên đàn vật nuôi được quản lý, giám sát chặt chẽ và chưa xảy ra dịch bệnh.

Bình quân mỗi năm, các hộ dân tỉnh Trà Vinh chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 6,7 triệu con. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 trang trại nuôi gà quy mô lớn, tổng đàn 36.000 con và 65 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa, với tổng đàn hơn 257.000, còn lại là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện việc tiêm phòng vaccine được thực hiện xã hội hóa. Riêng với các hộ chăn nuôi nhỏ có đàn gia cầm dưới 50 con được hỗ trợ tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm miễn phí, nhưng vẫn cần nâng cao ý thức thực hiện đầy đủ từ hộ dân chăn nuôi.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát triển đàn gia cầm khoảng 7,8 triệu con. Tỉnh khuyến khích và hướng dẫn nông dân về kỹ thuật để phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nông dân cần mạnh dạn thay đổi nguồn con giống chất lượng cao, siêu thịt, siêu trứng; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các phương án chăn nuôi an toàn để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Huỳnh Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm