Trà Vinh dự kiến tăng 53.000 ha cây màu, cây hàng năm

Trà Vinh dự kiến tăng 53.000 ha cây màu, cây hàng năm

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đề ra kế hoạch hỗ trợ khuyến khích nông dân trong tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích sản xuất cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm khoảng 53.000 ha, đạt tổng sản lượng 1,57 triệu tấn.

Trà Vinh dự kiến tăng 53.000 ha cây màu, cây hàng năm ảnh 1Anh Nguyễn Duy Khánh tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trong vườn cam của mình. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi giống cây trồng chất lượng cao, xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ tiến tiến tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hiện chính sách về hỗ trợ cho nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc… phục vụ áp dụng quy trình trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để tạo lợi thế thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2023, diện tích trồng cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm, trên địa bàn tỉnh đạt hơn diện tích gieo trồng 52.700 ha, tăng hơn 1.170 ha so năm 2022. Nhờ nông dân trong tỉnh mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt nên sản lượng thu hoạch đều tăng cao so năm trước. Cụ thể, tổng diện cây màu lương thực được trồng đạt trên 6.100 ha, màu thực phẩm 30.275 ha, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác đạt 16.340 ha, tổng sản lượng cây trồng thu hoạch đạt hơn 1,48 triệu tấn.

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có hơn 29.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản được ứng dụng khoa học công nghệ, như: nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ tưới phun bán tự động, sự dụng nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, VietGAP, GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn ASC... Hầu hết các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn 3 – 10 lần so với các mô hình sản xuất thông thường.

Ông Kim Thịnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành là một trong nhiều hộ nông dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Gia đình ông Kim Thịnh có 2.000 m2 đất chuyên trồng các loại rau, cải bán hằng ngày. Năm 2022, ông được ngành nông nghiệp huyện Châu Thành khuyến khích, hỗ trợ vay 100 triệu đồng để đầu tư 01 nhà lưới và hệ thống tưới nước nhỏ giọt để trồng màu. Nhờ có nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, rau màu cho năng suất, chất lượng tốt, rau bán được giá hơn từ 15 – 20% so rau màu trồng bình thường, gia đình ông có thu nhập ổn định bình quân hơn 120 triệu đồng/năm.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt thêm 15 triệu đồng/ha vào năm 2025, đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha; đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 160 triệu đồng/ha và xây dựng được 160 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Riêng năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân liên kết chặt chẽ tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đạt khoảng 32.345 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so năm 2023.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm