Trà Vinh dành gần 370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt

Xã viên HTX nông nghiệp Dân Tiến, huyện Cầu Kè thu hoạch cá trê theo mô hình kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa từ tháng 4/2021. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Xã viên HTX nông nghiệp Dân Tiến, huyện Cầu Kè thu hoạch cá trê theo mô hình kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa từ tháng 4/2021. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang triển khai chính sách về hỗ trợ cho nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025.

Cùng đó, tỉnh dành gần 370 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc,… phục vụ áp dụng quy trình sản xuất làm ra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tạo lợi thế về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, tỉnh đang nỗ lực thực hiện đạt mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt của tỉnh thêm 15 triệu đồng/ha vào năm 2025, đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha. Đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 160 triệu đồng/ha và xây dựng được 160 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất kém hiệu quả phân bố cụ thể về quy hoạch từng vùng sản xuất; danh mục các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai; nhu cầu của thị trường và giá trị kinh tế của sản phẩm,... để từng địa phương triển khai, khuyến khích nông dân tập trung chuyển đổi sản xuất.

Trà Vinh dành gần 370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ảnh 1Xã viên HTX nông nghiệp Dân Tiến, huyện Cầu Kè thu hoạch cá trê theo mô hình kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa từ tháng 4/2021. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Điểm thuận lợi, hiện nay nông dân trong tỉnh không còn tâm lý e ngại, đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới trên những diện tích đất thiếu điều kiện thuận lợi sản xuất, cho giá trị kinh tế thấp.

Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 1.900 ha đất trồng mía, đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây màu, trồng dừa, nuôi thủy sản,… nâng tổng diện tích đất sản xuất kém hiệu quả của tỉnh được chuyển đổi đến nay hơn gần 21.700 ha; trong đó, có hơn 13.000 ha chuyển sang trồng các loại cây rau, màu, gần 5.300 ha trồng cây ăn trái kết hợp hoặc chuyên nuôi thủy sản; hơn 2.850 ha đất trồng mía chuyển sang trồng cỏ, trồng dừa và nuôi thủy sản.

Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nông dân thực hiện đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần, với mức lợi nhuận thấp nhất từ 90 – 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hiện có nhiều hộ nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang trồng dừa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh cho thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm