Trà Vinh dành gần 370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất

Nông dân huyện Trà Cú chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Nông dân huyện Trà Cú chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tập trung vận động, hỗ trợ nông dân cơ cấu lại diện tích cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang cây trồng khác theo hướng nâng cao chuỗi giá trị kinh tế.

Theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dành nguồn vốn khoảng 368 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi sản xuất diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả; mua sắm vật tư, máy móc... để xây dựng và phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, có lợi thế bền vững đầu ra cho sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trà Vinh dành gần 370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất ảnh 1Nông dân huyện Trà Cú chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi 10.000 ha sản xuất an toàn; hỗ trợ cho 1,25 triệu hộ chăn nuôi trong tỉnh thực hiện tiêm phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ cho 100 tổ hợp tác, hợp tác xã cơ sở sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi 1.550 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái, chuyên nuôi thủy sản. Các mô hình chuyển đổi sản xuất khuyến khích nông dân ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất như: sử dụng phân bón thông minh (nano); hệ thống quan trắc - điện toán đám mây; hệ thống tưới tự động, bẫy côn trùng thông minh và dự báo sâu bệnh; sử dụng cây giống sạch bệnh, nuôi cấy mô, cây phôi; sử dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ áp dụng qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và đem lại kết quả tích cực.

Năm 2020, tỉnh có 30 cơ sở có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được chứng nhận VietGAP. Tổng diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP gần 1.300 ha, với sản phẩm trồng trọt đạt sản lượng 11.000 tấn/năm và hiệu quả kinh tế đem lại cho nông dân tăng từ 3 – 5 lần so với sản xuất bình thường.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm