Theo UBND tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 42 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Trùng tu, tôn tạo các di tích để phát huy giá trị văn hóa địa phương, đồng thời gắn kết với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Năm 2020, tỉnh bố trí 12,3 tỷ đồng để tu bổ các di tích trên địa bàn, trong đó ngân sách tỉnh 12 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 300 triệu đồng. UBND tỉnh báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính xin cấp vốn tu bổ 4 di tích theo kế hoạch trong năm 2020 gồm: Di tích khảo cổ Lưu Cừ II, chùa Ba Si, chùa Kom Pong, chùa Âng với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, địa phương tiếp tục khảo sát các di tích đã xuống cấp, hợp đồng với các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, lập dự toán kinh phí đăng ký kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tu bổ 22 di tích, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh, với tổng kinh phí dự kiến gần 77 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm, cùng với việc tôn tạo các di tích, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh như Dự án Khu Văn hóa - du lịch Ao Bà Om, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng thị xã Duyên Hải, Khu du lịch biển Ba Động, Khu Du lịch sinh thái Hàng Dương - Mỹ Long Nam, Khu Du lịch sinh thái cù lao Tân Quy...
Tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn khởi nghiệp và tranh thủ nguồn lực từ các dự án để tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch. Tính đến tháng 5/2020, tỉnh đã hỗ trợ 5 hộ đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) và xây dựng nhà hàng ẩm thực kết hợp bán đặc sản, quà lưu niệm với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.
Thanh Hòa