Tối 24/11, Lễ vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) năm 2023 đã được tổ chức với chủ đề “Phú Lương - Tinh hoa xứ trà”. Đây là lần thứ ba Lễ hội được tổ chức nhằm khẳng định thế mạnh từ cây chè, tôn vinh người trồng chè, văn hóa trà và xây dựng thương hiệu các sản phẩm trà của huyện Phú Lương.
Tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động địa phương và vùng lân cận; các sản phẩm của làng nghề chè đã tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước, nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu ở thị trường Ba Lan, Cộng hóa Séc, Pháp, Trung Quốc và các nước Trung Đông.
Đây là nền tảng để trà Phú Lương nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như: Hội thi ảnh đẹp giới thiệu về cây chè và sản phẩm trà với chủ đề “Sắc màu vùng chè”; tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu “Làng nghề chè tiêu biểu” tại 44 làng nghề chè trên địa bàn huyện; trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của huyện với sự tham gia của 50 gian hàng đến từ các xã, thị trấn, làng nghề chè, hợp tác xã, doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn; Hội thi “Bàn tay vàng”, “Thôn nữ xứ trà”;…
Phú Lương là địa phương có diện tích chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên với trên 4.000 ha, chiếm 19% tổng số diện tích chè toàn tỉnh và có 45/257 làng nghề chè, chiếm 18% tổng số làng nghề chè của tỉnh. Sản lượng chè búp tươi đạt bình quân khoảng 45,2 nghìn tấn/năm, doanh thu bình quân ước đạt từ 310 - 330 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất đạt trên 1.300 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần so với giá trị sản xuất lúa gạo trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch huyện Phú Lương cho biết, huyện xác định cây chè là cây trồng chủ lực. Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc và Phú Đô với 70% diện tích chè giống mới chất lượng cao như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc...
Việc phát triển cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% xã có sản phẩm OCOP, tiếp tục mở rộng diện tích chè đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, có định hướng xuất khẩu.
Tại chương trình, Ban Tổ chức Lễ hội đã vinh danh 15 làng nghề chè tiêu biểu và tiêu biểu xuất sắc; trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi đã diễn ra tại lễ hội. Nhân dịp này, 9 sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Lương đã được trao Giấy chứng nhận đạt OCOP.
Thu Hằng