Tính tẩu trong cuộc sống, tâm thức người Thái trắng ở Điện Biên

Tính tẩu (Tính tảu), dịch nghĩa theo tiếng Tày - Thái là đàn bầu, thuộc họ dây, chi gảy, nhạc cụ được các nhóm dân tộc nói tiếng Tày - Thái sử dụng. Riêng với người Thái ở Tây Bắc, tính tẩu phổ biến chủ yếu ở vùng Thái trắng, là loại nhạc cụ mang tâm hồn, tính cách cộng đồng dân tộc này. 

 

Tinh tau trong cuoc song, tam thuc nguoi Thai trang o Dien Bien hinh anh 1
Nghệ nhân Mào Văn Ết - người nặng lòng với cây đàn Tính tẩu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Tính tẩu gắn kết với đồng bào Thái trắng trong các lễ hội cầu mưa, cầu mùa, hát Hạn khuống, Kin Pang Then, Xên bản, Xên mường... và hiện diện trong hoạt động văn hóa dịp Xuân về. Trong tín ngưỡng dân gian, Tính tẩu như sợi dây tâm linh vô hình nối giữa cõi thực với cõi tiên.

Về sự tích cây đàn Tính tẩu: Xưa kia, tại khu vực suối Nậm Lùm ở Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) có một khối đá to bằng ba cái nhà sàn, người dân gọi là “hin bát”. Một trận đại hồng thủy xảy ra cuốn trôi vạn vật, “hin bát” bị cuốn trôi ra sông Nậm Na, xuôi đến tận đất Mường Lay (Điện Biên). Dấu tích còn lại ở Mường So là một cái vũng lớn (vặng luông), nay gọi là Búng Bát. Tại ngã ba sông Đà và sông Nậm Na, “hin bát” là hòn đảo nhỏ, cây cối, lau sậy um tùm. Có chàng trai người Thái trắng mồ côi đã chọn “hin bát” để dựng lều ở. Một lần đi quăng chài, chàng trai vớt được quả bầu, rồi lấy phần dưới của quả bầu tra thêm chiếc cán để làm gáo múc nước. Đêm về, chàng ngoắc chài lên móc, nơi có treo cái gáo múc nước. Côn trùng bay qua, bay lại chạm phải dây chài rồi hợp cùng với chiếc gáo bầu tạo ra những âm thanh lạ. Bất chợt, chàng nghĩ phải làm một đồ vật để thay người bạn tâm tình, khuây khỏa nỗi buồn. Rồi chàng đem cái gáo bầu căng mấy sợi dây chài dọc chiếc cán gỗ, gẩy thử thì vang lên âm thanh hấp dẫn. Chàng nghĩ ngay đến việc đem nó đánh thức người mình yêu để tâm tình, nhưng tiếng đàn chẳng đủ vang, chẳng đủ hay để nàng thức dậy... Rồi nghe người già trong bản, chàng làm một cây đàn khác, có âm thanh khi trầm khi bổng, làm đắm say lòng người và gọi được người chàng thầm yêu lách cửa, xuống sàn cùng tâm tình.

Bà Trần Minh Thư, nguyên Trưởng phòng Di sản - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Người Thái trắng coi Tính tẩu là loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc nhất của họ. Trong cuộc sống, họ dùng tiếng đàn để tỏ tình, tâm sự nỗi lòng và để đệm hát giao duyên. Trong lễ hội tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là nghi lễ Then, Tính tẩu dùng để thể hiện các làn điệu hát Then (khắp then), hát thơ (khắp xư) cùng với "pí một lao" (hát cúng các vị thần linh trên trời), người hát là thầy Then, thầy mo, thầy cúng nên trong quan niệm của người Thái, tiếng đàn trở thành linh thiêng, "vật thiêng" trời ban.

Cấu tạo Tính tẩu khá đơn giản, được chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương: Cần đàn làm bằng gỗ nhẹ, mềm, chiều dài thường là 9 nắm tay (75-90 cm) của người chơi đàn để hợp với cỡ giọng. Bầu đàn làm bằng phần dưới vỏ quả bầu nậm, đường kính khoảng 15-20cm, bầu đàn phải có độ tròn, dày đều.

Trước đây, mặt đàn được làm bằng gỗ quế, xé mỏng chừng 3mm, bào nhẵn, tránh không có sẹo (mắt) gỗ, để âm thanh lan truyền đều. Dây đàn, trước kia được se bằng sợi tơ tằm rồi vuốt sáp ong đen hay nhựa khoai lang, nay dùng bằng sợi dây ni-lon, cước. Ngựa đàn là một mảnh tre có cắt khấc để sợi dây đàn lọt xuống, nằm cố định.

Tính tẩu có 2 loại: 2 dây và 3 dây, trong đó loại 3 dây thường dùng trong các nghi lễ Then, loại 2 dây thường dùng cho đệm hát, múa. Tính tẩu dùng cho hát Then gọi là tính Then, thường có bầu đàn to hơn, đường kính từ 20-25cm, dây đàn to sợi hơn nên tiếng đàn trầm và ấm. Cần đàn không có phím, ngựa đàn thấp, dây đàn không quá căng.

Để làm ra một cây đàn Tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp như: Chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh, độ trầm, bổng. Ngoài việc làm bầu đàn bằng quả bầu già, khô, phải đặc biệt lưu ý thời gian chặt gỗ làm cần đàn vào ngày cuối tháng mới không có mọt khoét. Muốn đàn có độ bền cao, dùng lâu, không bị cong vênh cần lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, mắt. Mặt đàn xẻ mỏng khoảng 3mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm.

Trước khi lắp dây đàn, phải lắp ngựa đàn (miếng gỗ nhỏ đặt chính giữa gắn sát mặt đàn) và tai đàn (dùng để căng, chỉnh dây đàn). Sau khi hoàn thành khung cây đàn sẽ đánh dầu bóng để tạo màu, độ bóng cho cây đàn rồi phơi thật khô. Ở phần mỏ đàn, thường chạm trổ, đục đẽo các hình thù ấn tượng... nhưng điển hình nhất vẫn là hình móc câu. Công đoạn lắp dây đàn đòi hỏi người làm đàn giỏi không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, kinh nghiệm chơi đàn, thẩm âm giỏi.

Bà Trần Minh Thư cho biết thêm: “Tính tẩu của người Tày - Nùng vùng Đông Bắc có 3 dây, người Thái trắng vùng Tây Bắc có cả 2 dây và 3 dây. Tính tẩu của người Thái trắng vùng Tây Bắc còn có điểm khác là mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống”.

Nghệ nhân Mào Văn Ết, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Gà trống là “vật tổ” của người Thái trắng vùng Tây Bắc, hình dáng cây đàn Tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc cũng mang biểu tượng con gà trống. Sau hàng chục năm nghiên cứu, ông mới phát hiện, cắt nghĩa, “giải mã” được “thông điệp” mang triết lý nhân sinh này.

Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Tính tẩu có 3 cấp độ: Cấp thứ nhất là tính “khắp”, bao gồm những phần đệm cho hát; giai điệu của loại này thường tông theo giai điệu hát hoặc nương theo giọng hát để biến hóa. Đặc biệt vào những phần ngắt hay ngân dài, ngưng nghỉ của người hát mà người đàn thêm những luyến láy. Thứ hai là tính “xé”, bao gồm các bài nhạc đệm cho múa, là các bài có nhịp, phách ổn định, cấu trúc, giai điệu cố định. Tuy nhiên, trong âm nhạc dân gian Thái, nhiều điệu múa có kèm theo hát nên ngón đàn người chơi tính "xé" không đơn giản là đánh đúng nhịp, đúng âm, mà còn phải sáng tạo. Cấp thứ ba là tính “tói”, bao gồm những bài mang tính độc tấu, giai điệu ở dạng mô hình, người chơi đàn được quyền sử dụng mô hình với những thêm thắt, luyến láy theo cảm hứng, trổ những ngón đàn khó, tạo âm bồi, nhanh, thậm chí lướt trên phím với tiết tấu phức tạp. Người chơi đạt cấp độ 3 được nhân dân tôn là thầy đàn (sáy tính).

Trải qua thời gian, ngày nay, tại tỉnh Điện Biên, Tính tẩu vẫn còn được bảo lưu, trao truyền phổ biến nhưng đậm đặc nhất là ở các “tiểu vùng” tập trung đông đồng bào Thái trắng như: Mường Báng (huyện Tủa Chùa); xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé); các xã dọc sông Đà như Sín Chải, Tủa Thàng… Đặc biệt tại thị xã Mường Lay - một trong những cái nôi của người Thái trắng Tây Bắc, ở đây Tính tẩu được gìn giữ bởi phần lớn là các ông Mo, bà Mo và được dùng ở các dịp lễ hội hay trong lễ tục vòng đời.
 
        Hải An - Phan Tuấn Anh

Tin liên quan

Giữ cho làn điệu Then, Tính tẩu mãi ngân xa

Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc tại Hà Giang vừa kết thúc tối 14/5 tại Hà Giang. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái - những người yêu thích và gắn bó với môn nghệ thuật này và công chúng rộng rãi trong cả nước đã có những ngày hội thực sự để thưởng thức và góp phần làm sống lại không gian văn hóa đặc sắc và hết sức linh thiêng, đồ sộ của người dân các tỉnh vùng núi phía bắc và một phần dãy Trường Sơn - Tây Nguyên.


Tính tẩu trong cuộc sống, tâm thức người Thái trắng ở Điện Biên

Tính tẩu (Tính tảu), dịch nghĩa theo tiếng Tày - Thái là đàn bầu, thuộc họ dây, chi gảy, nhạc cụ được các nhóm dân tộc nói tiếng Tày - Thái sử dụng. Riêng với người Thái ở Tây Bắc, tính tẩu phổ biến chủ yếu ở vùng Thái trắng, là loại nhạc cụ mang tâm hồn, tính cách cộng đồng dân tộc này.


Truyền thuyết về đàn tính tẩu

Hát then bao giờ cũng đi liền với nhạc cụ là đàn tính. Người ta thường nói: “Không có đàn tính thì hát then không thể ngân vang, lời ca không thể dịu ngọt, tha thiết…”!



Đề xuất