Ngày hội Háng Pò hay người dân địa phương còn gọi là "Chợ tình Pác Khuông" là Ngày hội truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc Nùng huyện Bình Gia nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung, diễn ra từ ngày mùng 9 - 11/5 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo, thu hút đông đảo nhân dân, du khách gần xa...
Ngay từ sáng sớm, du khách muôn nơi đã nô nức về dự hội. Các con đường dẫn về sân chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia khá nhộn nhịp, đông vui. Những người lớn tuổi đến hội tìm bạn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ôn lại kỷ niệm cùng người thân, bạn bè. Các bạn trẻ đến hội với mong muốn gặp gỡ, trải nghiệm chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Người đến hội mặc những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình hòa cùng với cảnh sắc núi rừng, lời hát sli tạo nên không gian văn hóa đặc trưng, thu hút khách thập phương...
Anh Nguyễn Văn Được, du khách đến từ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, từ lâu đã được biết đến "Chợ tình Pác Khuông" nên dịp này đã cùng bạn bè lên dự hội. “Đây thực sự là những trải nghiệm thú vị bởi tôi và mọi người về dự hội đã hiểu thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây như: Trình diễn múa sư tử, trình diễn hát Quan làng (đám cưới người Tày); trình diễn Cò lẩu (đám cưới người Nùng); trình diễn trò diễn sỹ - nông - công - thương trong lễ hội cầu mùa; trình diễn nấu rượu, đan lát thủ công, làm trang phục truyền thống dân tộc; chương trình giao lưu văn nghệ bảo tồn dân ca giữa các câu lạc bộ; trò chơi dân gian truyền thống...”, anh Được cho hay.
Theo chị Nông Thu Hoài, ở xã Mông Ân, huyện Bình Gia, không chỉ chị mà nhiều bạn trẻ ngay từ khi còn bé đã theo ông bà, bố mẹ đi dự hội. Ngày hội đã in đậm trong tâm trí của người dân địa phương, là nơi đồng bào các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu văn hóa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Lèo Văn Hiệp cho biết, theo lời kể của các cụ cao niên, Ngày hội đã có từ xa xưa, được khắc sâu trong tâm thức, của mỗi người dân nơi đây. Theo thông lệ, cứ đến ngày mùng 2, mùng 3 tháng tư âm lịch hằng năm, người dân ở khắp nơi trong khu vực sẽ về họp chợ Pác Khuông để mua bán, trao đổi các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, chợ Pác Khuông không chỉ là địa điểm trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là nơi mọi người dân, nhất là các chàng trai, cô gái đến tuổi hẹn hò đến hội thông qua những lời hát sli đối đáp, làm quen nhau, trao nhau tình cảm. Từ đây, nhiều đôi nam thanh nữ tú đã nên duyên vợ chồng...
Ngày nay, hát sli không chỉ có hát giao duyên đôi lứa, mà còn để đối đáp bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, nói lên khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, được duy trì hằng năm. Đến hẹn lại lên, Ngày hội đã trở nên thân thuộc đối với người dân không những ở Bình Gia mà với cả các du khách ở nhiều địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh; trở thành điểm đến văn hóa, du lịch quen thuộc đối với nhiều du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia nhấn mạnh, thông qua các hoạt động của Ngày hội nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vũ Văn Đạt