Thanh niên huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực hết mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống địa phương thông qua thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương, những hoạt động tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn.
Chú trọng văn hóa và nông sản
Mới đây, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Khánh Vĩnh tổ chức Lễ hội Nông sản - Giao lưu Văn hóa với chủ đề "Thanh âm của núi". Chương trình thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân trên địa bàn huyện tham gia.
Các tổ chức đoàn xã, thị trấn cùng các nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cùng tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống như: Tổ chức lễ hội nông sản với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; biểu diễn trang phục các dân tộc; tái hiện nghề đan lát truyền thống; thi giã gạo; thi ẩm thực truyền thống; tổ chức sinh hoạt về nguồn tại địa chỉ đỏ...
Anh K’ Na Hy Vĩnh, người đồng bào Ê đê ở xã Khánh Hiệp tham gia lễ hội cho biết, lần đầu tiên tại quê hương Khánh Vĩnh có lễ hội do tổ chức Đoàn, Thanh niên thực hiện với quy mô rộng khắp 14 xã đoàn, thị trấn cùng về giao lưu. Qua đây tinh thần đoàn kết của thanh niên các đơn vị được gắn kết, thúc đẩy phong trào Đoàn ở miền núi ngày càng phát triển. Tham gia lễ hội, anh K’Na Hy Vĩnh đã mang đến đặc sản của người đồng bào dân tộc mình - rượu cần của người Ê đê và các giá trị văn hóa của người Ê đê. Anh Hy Vĩnh rất tự hào khi nói về những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Anh mong muốn có một không gian trưng bày văn hóa Ê đê để quảng bá đến du khách; đồng thời giáo dục cho người Ê đê như anh giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa của quê hương mình.
“Dưới góc độ của một thanh niên, tôi mong Đoàn cấp trên tạo điều kiện hơn nữa để có những hoạt động như thế này, tạo hiệu ứng cho tuổi trẻ địa phương giới thiệu và giữ gìn các nét đẹp của văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh”, anh Hy Vĩnh chia sẻ.
Chị Cao Thị Kim Oanh, đoàn viên xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh cũng đưa đến những sản phẩm như nho và măng rừng do đoàn viên thanh niên và người dân xã Cầu Bà làm ra. Đây là những nguyên liệu thiên nhiên, được người dân khai thác theo mùa, chế biến theo phương pháp thủ công và có giá trị kinh tế cao đối với bà con. Đối với người Raglai như chị, việc tạo nên một sản phẩm có giá trị kinh tế là một niềm vui rất lớn, bởi đó là phương thức để đồng bào giúp nhau giảm nghèo, có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.
Chị Hoàng Thị Liên ở xã Khánh Nam đã trình diễn đan và giới thiệu công dụng của giỏ lát tại lễ hội. Theo chị Liên, nghề đan giỏ lát là nghề lâu đời của gia đình nên chị rất hào hứng với những hoạt động quảng bá nghề truyền thống này bởi chị có thể chia sẻ về nghề của gia đình; đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo học và gìn giữ nghề đan lát này.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 7,79%, tương đương giảm 850 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2024 còn 1.935 hộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại…
Để đạt những mục tiêu trên, từ đầu năm, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện các chương trình, trong đó tin tưởng và giao cho tổ chức Đoàn thực hiện hoạt động Lễ hội Nông sản - Giao lưu Văn hóa các dân tộc huyện Khánh Vĩnh năm 2024.
Bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nhìn nhận, thông qua chương trình các bạn đoàn viên, thanh niên không chỉ giới thiệu thương hiệu nông sản sạch Khánh Vĩnh đến du khách mà còn kết hợp quảng bá, giới thiệu bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của 28 dân tộc anh em trên địa bàn; từ đó tạo nên cơ hội lớn để phát triển du lịch cộng đồng của huyện trong thời gian tới.
“Để bảo tồn tốt hơn giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế miền núi; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, huyện thực tốt đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi”, bà Ca Tông Thị Mến nói thêm.
Chị Cao Thị Ngọc Thoa, Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh, phân tích: Thanh niên huyện miền núi Khánh Vĩnh đa số là người dân tộc thiểu số, rất nhiệt huyết, sôi nổi, xung kích, tiên phong trong mọi mặt trận. Tuy nhiên, về mặt bằng chung vẫn còn nhiều mặt hạn chế về kiến thức, kỹ năng, sự am hiểu về chuyên ngành. Thanh niên nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn trong việc trang bị các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế… thường xuyên có các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến các quy định, trình tự, thủ tục, giấy tờ hành chính trong khởi nghiệp kinh doanh, trong thành lập các hợp tác xã và xây dựng các sản phẩm OCOP… Việc tổ chức Lễ hội Nông sản - Giao lưu Văn hóa các dân tộc huyện Khánh Vĩnh năm 2024 là một trong những hoạt động Đoàn có điểm nhấn của Huyện đoàn.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh, chương trình kết thúc với những kết quả rất khả quan, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân địa phương và du khách; tạo được sân chơi cho các bạn đoàn viên, thanh niên học tập được các nghệ nhân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Lễ hội cũng là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn vươn lên làm kinh tế thay đổi cuộc sống của thanh niên và nhân dân Khánh Vĩnh.
Với quy mô cấp huyện, nhưng hoạt động của tổ chức Đoàn, Thanh niên ở huyện Khánh Vĩnh hiệu quả hơn cả kỳ vọng. Sân chơi lần đầu tiên được “trình làng” đã thể hiện được hết các giá trị, thực hiện được sứ mệnh tôn vinh, quảng bá các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân địa phương; tạo sân chơi giao lưu giữa các bạn trẻ với các nghệ nhân, người có uy tín...
Phan Sáu